Đều đặn mỗi ngày, bà Phùng Thị Tuyết Nga (67 tuổi, phố Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại dậy từ 6h sáng, chuẩn bị bữa ăn sáng cho mẹ già (95 tuổi, bị bệnh nằm liệt giường) rồi bắt đầu công việc phân loại rác thải.
Sáng nào bà Nga cũng phải dậy sớm, chuẩn bị bữa sáng cho mẹ già 95 tuổi bị lẫn
Trước đây bà Nga làm việc cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội - Chi nhánh quận Đống Đa (số 4). Sau 24 năm làm việc, bà về hưu với số tiền lương hưu vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng/tháng. Cuộc sống ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ khiến người phụ nữ tuổi hưu trí này vẫn phải lao động để mưu sinh.
Do cụ bị lẫn nên mỗi lần mẹ uống thuốc, bà Nga lại phải dỗ như dỗ trẻ con.
"Ở tuổi của tôi, đáng ra phải được nghỉ ngơi an dưỡng rồi nhưng mẹ tôi bị bệnh. Đứa con trai duy nhất cũng chẳng có công việc ổn định, không kiếm ra tiền. Tôi đến bây giờ vẫn là người kiếm tiền chính, là trụ cột của gia đình", bà Nga chia sẻ.
Bà Nga tranh thủ bóp tay cho mẹ trước khi đi làm
Bà Nga cho biết, trước đây con trai bà làm shipper, mỗi tháng thu nhập hàng chục triệu đồng nhưng từ ngày vợ qua đời, cậu con trai chán nản, suốt mấy năm trời chẳng chịu làm ăn gì, khiến cuộc sống của gia đình trở nên eo hẹp hơn.
Ở tuổi 67, bà Nga vẫn là trụ cột kiếm tiền chính trong gia đình.
"Trước đây, gia đình tôi không khó khăn thế này. Nhưng từ ngày con dâu qua đời, con trai cũng không làm gì. Còn mẹ tôi thì bị các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, loãng xương... bao nhiêu tiền tích lũy dần dần ra đi hết mà bệnh tình của mẹ cũng chẳng thuyên giảm là bao. Hàng ngày tôi vẫn phải dậy sớm để cho mẹ uống thuốc, sau đó mới đi làm. Đến bữa lại chạy về cho mẹ ăn…", bà Nga kể.
Bà Nga chỉ nhận làm việc quanh khu vực phố Hàng Chuối để có thể tiện về chăm sóc mẹ.
Ở tuổi 67, bà Nga vẫn người duy nhất kiếm tiền trong gia đình. Tuy nhiên, sức già có hạn, bà Nga chỉ lo được tiền thuốc cho mẹ và tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, mỗi khi gia đình có công việc, bà Nga lại phải đi vay.
Công việc của bà Nga là phân loại rác, các loại vỏ lon, nhôm ra nhôm, nhựa ra nhựa...
Bà Phùng Thị Tuyết Nga
"Tổng thu nhập của tôi bây giờ khoảng 7 triệu đồng, trong đó gồm hơn 3 triệu tiền lương hưu và hơn 3 triệu tiền công đi phân loại rác. Nhưng từng đó cũng chỉ đủ để 3 mẹ con bà cháu sinh hoạt qua ngày. Tháng trước, cưới đứa cháu họ tôi ở bên quận Cầu Giấy mà trong nhà không còn một khoản tiền dư nào, đang không biết xoay xở ra sao để có tiền mừng cưới cho cháu thì có bác hàng xóm sang chơi, biết được hoàn cảnh của tôi nên đã cho tôi vay 500.000 đồng. Thế nhưng, có tiền mừng cưới rồi, trong nhà lại chẳng còn bộ quần áo đẹp nào, toàn là đồ đi lao động với đồng phục đi nhặt rác. Tôi lại phải gọi cho đứa em, sang xin nó bộ quần áo cũ để mặc đi đám cưới, song bộ quần áo đó hơi chật so với tôi, mặc đến đám cưới ai người ta cũng cười." - Bà Phùng Thị Tuyết Nga.
Nhiều năm trước, bà Nga lấy chồng ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) nhưng vài năm sau, 2 vợ chồng chia tay, bà Nga đưa theo đứa con trai duy nhất về nhà bố mẹ đẻ ở phố Hàng Chuối ở cho tới nay.
"Về ở với bố mẹ được vài năm thì bố tôi qua đời. Cũng may mà mấy mẹ con, bà cháu có nhà sẵn, không phải đi thuê. Chứ còn phải gánh thêm tiền thuê nhà nữa, chắc tôi không trụ nổi. Hơn 5 năm nay, mẹ tôi yếu lắm, bà lại còn bị lẫn nữa nên tôi không dám nhận thêm việc ở các phố khác, chỉ nhận ở phố Hàng Chuối này thôi. Đi làm, thi thoảng còn về ngó xem mẹ tình hình thế nào…", bà Nga chia sẻ.
Công việc chính của bà Nga là phân loại rác thải, nhưng thi thoảng nhà nào quanh khu vực có nhu cầu quét vôi ve, bà lại nhận làm thêm. Công việc quét vôi ve này giúp bà kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng việc không có nhiều, mỗi năm có khi chỉ được vài nhà.
Bà Nga cho biết, đến nay bà đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề "phu rác".
"Cuộc đời tôi có duyên với nghề rác, nếu tính từ lúc bắt đầu cho tới nay thì đã hơn 30 năm tôi làm trong nghề rồi. Nhiều hôm nắng nóng, thấy mệt lắm nhưng không dám nghỉ, vì sợ nghỉ ngày nào thì mẹ tôi phải nhịn thuốc ngày đó", bà Nga tâm sự và cho biết, mỗi tháng bà phải mua hơn 2 triệu tiền thuốc cho mẹ.
Tuổi đã cao nhưng bà Nga vẫn miệt mài lao động để kiếm tiền mua thuốc cho mẹ
Về hưu đã hơn 10 năm nhưng bà Nga vẫn chưa có một ngày nghỉ nào. Hàng ngày bà vẫn phải dậy sớm để đi kiếm tiền nuôi mẹ già và không ngừng lo cho tương lai của người con trai.
"Con trai tôi năm nay gần 40 tuổi rồi, thi thoảng tôi vẫn động viên con đi thêm bước nữa. Lấy vợ, sinh con rồi ổn định cuộc sống, chứ cứ lang thang thế này thì không biết cuộc đời sẽ đi về đâu. Đã có lúc, tôi định bán căn nhà ở phố Hàng Chuối này đi rồi ra ngoại thành mua căn rẻ tiền hơn, để có vốn, cuộc sống cũng bớt vất vả hơn. Nhưng bao năm ở đây rồi, giờ bán đi thì thấy tiếc lắm…", bà Nga chia sẻ.
1 ngày làm việc của bà Nga thường kéo dài từ 6-8 tiếng, tùy vào lượng rác thải
Giữa nhịp sống hối hả của Hà Nội, hàng ngày bà Nga vẫn lặng lẽ mưu sinh bên những chiếc thùng rác, nhặt từng mảnh giấy, chiếc vỏ lon, nhôm ra nhôm, nhựa ra nhựa… để kiếm tiền lo cho mẹ gia đình.