Đôi khi sự yêu thương của bố mẹ lại khiến cuộc đời của những đứa con rơi vào bi kịch.
Ông bà ngoại của tôi có 5 người con, mẹ tôi là chị cả trong nhà. Từ ngày còn nhỏ, mẹ luôn tự biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên luôn là người cố gắng hết sức để giúp đỡ ông bà và chăm sóc các em.
Đến tuổi thành gia lập thất, mẹ tôi càng thêm gánh nặng khi phải vun vén cho gia đình nhỏ của mình nhưng vẫn không thể bớt lo toan cho ông bà bà các dì, các cậu. Mẹ tôi chỉ thực sự bớt vất vả khoảng chục năm trở lại đây khi các dì, các cậu cũng đã đủ lớn và có thể tự vận hành cuộc sống của mình.
Quả thật thì các dì, các cậu của tôi đều là những người biết trước biết sau nên khi ổn định được kinh tế cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ mẹ tôi trong việc chăm lo cho mấy chị em chúng tôi. Ngay thời gian vừa qua, dì thứ hai của tôi cũng phải tất bật chạy ngược chạy xuôi để xin việc cho tôi.
Thế nhưng đến bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn, cùng là anh chị em trong một gia đình thì cũng sẽ có người tính cách thế này, có người lại tính cách thế kia. Trong 5 người con của ông bà ngoại thì chỉ còn dì út của tôi là khác biệt hoàn toàn với anh chị.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông bà ngoại mặc dù phải sống trong điều kiện kinh tế không mấy dư dả thế nhưng luôn chiều chuộng dì út hơn cả. Những gì ngon nhất, đẹp nhất, tốt nhất thì ông bà ngoại đều dành cho dì, mẹ tôi là chị cả nên mặc dù thấy các em tủi thân cũng chỉ có thể động viên các em nhường nhịn em út mà thôi. Mỗi lần thương em quá, mẹ tôi lại cố gắng làm việc này việc kia rồi dành dụm mua cho mấy đứa em ít quà bánh để bù đắp.
Có lẽ bởi vậy mà các dì và cậu của tôi thương chị lắm. Mấy chị em chưa bao giờ phản ứng với ông bà ngoại nhưng tận sâu trong lòng, ai cũng có những tủi hờn của riêng mình. Thế nhưng cuộc sống bộn bề cơm áo gạo tiền đã dậy họ phải biết cách gạt bỏ những tâm tư của những đứa trẻ để vươn lên.
Vì được nuông chiều từ bé nên dì út cũng rất bướng bỉnh, thường thì dì biết mình sẽ được ông bà bênh nên không bao giờ nghe lời các anh chị. Sự ngang bướng này của dì lúc còn nhỏ chỉ đơn thuần là những tranh chấp vụn vặt nhưng vào những dấu mốc quan trọng của cuộc đời thì nó lại khiến dì rẽ sang một con đường khác hoàn toàn.
Dì út không chịu học đại học như khuyên bảo của các anh chị và vào thời điểm đó, thay vì có những biện pháp mạnh mẽ hơn, ông bà ngoại lựa chọn thuận theo ý của dì út, chấp nhận cho dì dang dở việc học hành với lý do: “đầy cử nhân, thạc sĩ vẫn đi làm xe ôm kia kìa”.
Kế đó là việc kết hôn ở tuổi còn rất trẻ, cuộc hôn nhân không có nền móng vững chắc của dì út nhanh chóng đổ bể. Dì út ly hôn khi mới 22 tuổi và có một đứa con trai. Một cô gái không có công ăn việc làm, cũng không nhận được hỗ trợ kinh tế của nhà chồng thì phải làm sao để nuôi được chính mình, đã vậy còn đính kèm thêm một đứa con?
Có một khoảng thời gian, dì út cũng tìm được công việc ổn định là làm công nhân trong 1 nhà máy. Thế nhưng với tính cách ngang tàn bướng bỉnh và cũng không mấy khi phải động tay động chân vào việc gì, rất nhanh chóng dì út đã xảy ra xích mích với cấp trên, đồng nghiệp dẫn đến việc bị buộc thôi việc.
Kể từ đó, dì út không đi làm và đương nhiên cũng không có thu nhập gì hết. Cũng kể từ đó, ông bà ngoại cũng phải nuôi cả dì út lẫn con trai của dì. Hai ông bà già gần 80 tuổi rồi thì làm gì có công việc nào ổn định cơ chứ, thấy tình hình không ổn, dì ba của tôi có chủ động xin cho dì út một công việc trong shop quần áo nhẹ nhàng. Thế nhưng điều không ai ngờ đến đó là ông bà ngoại phản ứng rất tiêu cực với việc này, ông bà cho rằng dì út không khỏe mạnh nên việc ép dì phải đi làm là hành động rất quá đáng của dì ba.
Tôi vẫn nhớ buổi chiều hôm đó, dì ba ngồi ôm chân mẹ tôi khóc nức nở, dì liên tục nấc lên vì uất ức cũng như tủi thân khi mình có ý tốt nhưng lại thành kẻ xấu trong mắt bố mẹ. Mẹ tôi cũng chẳng biết làm gì ngoại trừ khuyên dì đừng để bụng, đừng chấp ông bà làm gì.
Kể từ đó, bà ngoại tôi vẫn dậy từ 3h sáng để chuẩn bị từng chõ xôi mang ra chợ gần nhà bán, còn ông ngoại thì vẫn cặm cụi đi làm bảo vệ cho một cửa hàng ở đầu phố. Đáng lẽ ra, với số lương hưu của 2 ông bà thì chi phí sinh hoạt hằng ngày chẳng có gì phải đáng lo. Thế nhưng khi phải cáng đáng thêm 2 người trẻ khỏe nữa, nhất là con trai của dì đang tuổi ăn tuổi học, riêng học phí hàng tháng thôi cũng là cả một gánh nặng rồi.
Mẹ tôi và các dì, cậu tuy đã bớt vất vả đi nhiều nhưng vẫn phải lo lắng cho gia đình của mình. Hơn nữa, bản thân dì út cũng là người khỏe mạnh và hoàn toàn đủ sức khỏe, năng lực để lao động thì tại sao mọi người lại phải vất vả thêm để nuôi hai mẹ con dì ấy?
Hơn nữa, dì út không phải là người có ơn báo ơn, dì liên tục đòi ông bà bán cái nhà đi để thuê nhà ở, tiền thì để đấy còn tiêu xài. Xưa nay miệng ăn núi còn lở, nếu chỉ tiêu mà không làm thì bao nhiêu cho đủ?
Ấy vậy nhưng dạo gần đây ông bà ngoại bắt đầu đăng rao bán nhà. Mọi người đã khuyên can đủ đường cũng không được, thậm chí dì út còn đứng chống nạnh đuổi mẹ tôi ra khỏi nhà vì dám “xui” ông bà không bán nhà.
Đến giờ mẹ tôi cũng đã không muốn can thiệp nữa nhưng vẫn thương hai ông bà già gần 80 tuổi vẫn phải nuôi “con mọn”. Tôi biết mẹ khổ tâm nhiều lắm, nhưng nếu mẹ không cứng cứng rắn không liên quan đến chuyện nhà ông bà ngoại và dì út thì sẽ còn làm ảnh hưởng đến ba tôi, mấy đứa chúng tôi và cả các dì các cậu nữa…