Tài chính

Tiết lộ 6 giây cuối cùng trước thảm họa Jeju Air

TIN MỚI

8:57 sáng Chủ Nhật, trạm kiểm soát tại Sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc ban cảnh báo khẩn cho một chuyến bay của Jeju Air: “Thận trọng: Đường bay của chim”. Cảnh báo này vốn không phải điều bất thường, nhất là khi sân bay được bao quanh bởi môi trường sống của rất nhiều loại chim trời.

Tuy nhiên, chỉ 2 phút sau, một cuộc gọi cầu cứu vang lên từ buồng lái: “Chim đâm, chim đâm, bay vòng quanh”, theo Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc.

Khoảng 6 phút sau cảnh báo của trạm, máy bay hạ cánh bằng bụng rồi đâm vào bức tường cuối đường băng, sau đó bốc cháy. Trong số 181 hành khách và phi hành đoàn, chỉ có 2 người duy nhất sống sót. Cả 2 đều là tiếp viên hàng không trên chiếc bay phản lực Boeing 737-800.

Khoảnh khắc hỗn loạn cuối cùng trên chuyến bay Jeju Air hiện là trọng tâm của cuộc điều tra một trong những thảm họa hàng không chết người. Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, Boeing và Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết sẽ hỗ trợ cuộc điều tra có thể mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là lâu hơn này. Hộp đen đã được thu thập xong đã bị hỏng một phần.

Hôm thứ Hai, quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok ra lệnh kiểm tra an toàn khẩn cấp toàn bộ hệ thống vận hành hàng không của nước này. Tất cả 101 máy bay phản lực Boeing 737-800 do các hãng hàng không Hàn Quốc khai thác sẽ bị kiểm tra lịch sử bảo dưỡng động cơ và bánh đáp vào cuối tuần này.

Thế hệ máy bay Boeing, bao gồm cả máy bay do Jeju Air sử dụng, là dòng tiền nhiệm của 737 MAX. Theo báo cáo của Boeing về số liệu thống kê tai nạn trong toàn ngành từ năm 1959 đến năm 2023, hãng chỉ ghi nhận 10 vụ tai nạn chết người khiến máy bay bị hư hỏng đến mức không thể sửa chữa được. Con số này tương đương với tỷ lệ 0,08 trên 1 triệu lượt khởi hành.

Sau thảm họa hôm Chủ Nhật, hàng chục nghìn hành khách đã hủy vé các chuyến bay của Jeju Air. Cổ phiếu công ty lao dốc khoảng 8,6%, trong khi cổ phiếu của Boeing giảm 2%.

Trên chuyến bay xấu số tới Bangkok, có 2 công dân Thái Lan, trong đó một người là sinh viên đại học 22 tuổi đang chuẩn bị thi bằng tiếp viên hàng không. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một em bé 3 tuổi.

“Con dấu đầu tiên trên hộ chiếu của cháu!”, cha cậu bé đã chia sẻ một bài đăng có dòng trạng thái như vậy trên Instagram.

Mọi thứ dường như diễn ra suôn sẻ trong khoảng 5 giờ bay đầu tiên. Các phi công nhận được quyền hạ cánh máy bay tại đường băng duy nhất của Muan, sau đó bất ngờ nhận cảnh báo về chim trời.

Cuộc gọi cấp cứu từ buồng lái được thực hiện lúc 8:59 sáng. Máy bay bay vòng để tìm cách hạ cánh. Một vài hành khách kịp để lại tin nhắn văn bản cho các thành viên trong gia đình, nói rằng có một con chim bị mắc kẹt trên cánh máy bay.

“Tôi có nên viết di chúc không?”, nội dung tin nhắn viết.

Vào lúc 9:01 sáng, trạm kiểm soát Muan cho phép hạ cánh lần thứ hai, lần này là từ phía bắc. Máy bay chạm đất khoảng một nửa đường băng, song bánh đáp vẫn chưa được bung ra. Nó bất lực, lao nhanh về phía trước rồi bốc cháy sau khi đâm vào bức tường chắn cuối đường.

Lee Geun-young, người điều hành một nhà hàng cạnh sân bay, đã nghe thấy tiếng nổ lớn. Anh kịp quay được khoảng 54 giây video bằng điện thoại di động về vụ tai nạn, sau đó phát sóng chúng trên toàn thế giới.

Đoạn video cho thấy chiếc máy bay lao xuống đường băng bằng bụng trước khi đâm vào bức tường chắn. Đến 9:03 sáng, nó đã hoá thành quả cầu lửa.

Hàng chục người thân choáng váng tụ tập tại sân bay Muan chờ tin tức về các nạn nhân xấu số. Một người đã chia sẻ với phương tiện truyền thông địa phương tin nhắn cuối cùng mà anh gửi cho con gái mình.

“Con đã đến chưa, công chúa?”, tin nhắn viết.

Tính đến tối thứ Hai theo giờ địa phương, hơn 145 thi thể đã được xác định danh tính. Nhà chức trách vẫn đang nỗ lực xác định danh tính của 20 người thông qua phân tích DNA và dấu vân tay. Các cơ quan chính phủ và quan chức sân bay đã thành lập một trung tâm hỗ trợ các thành viên gia đình nạn nhân.

Một trong hai người sống sót, một tiếp viên hàng không 33 tuổi, đã được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Seoul. Người còn lại chia sẻ rằng mình đã thắt dây an toàn trước khi bất tỉnh.

“Khi tôi tỉnh lại”, anh nói, “Tôi đã được cứu rồi”.

Được biết trước khi sự cố này xảy ra, Jeju Air là hãng bay chi phí thấp (LCC) được khách hàng ưa thích nhất Hàn Quốc nhiều năm liền. Theo Chỉ số hài lòng của khách hàng Quốc gia (NCSI) của Trung tâm Năng suất Hàn Quốc, 2023 là năm thứ 5 mà Jeju Air đứng vị trí thứ nhất kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, việc tập trung duy trì chi phí hoạt động thấp nhất có thể vô hình chung khiến Jeju Air bỏ qua các quy tắc an toàn. Theo chia sẻ của các nhân viên giấu tên, hãng này tiết kiệm chi phí bảo trì nên rủi ro gặp sự cố về an toàn sẽ cao hơn.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Giao thông cho biết máy bay Boeing 737-800 do Jeju Air khai thác được sản xuất vào năm 2009. Không có báo cáo về tình trạng bất thường khi máy bay rời sân bay Suvarnabhumi của Bangkok (Thái Lan), theo ông Kerati Kijmanawat, chủ tịch Công ty sân bay Thái Lan.

David Learmount, chuyên gia hàng đầu về an toàn hàng không ở Anh, nhận định cú va chạm cuối cùng giữa máy bay với bức tường gần đường băng là “thời khắc quyết định” trong thảm họa.

“Không có lý do chính đáng nào để bức tường xuất hiện ở đó. Tôi nghĩ xây dựng tường kiên cố tại vị trí này gần như có thể coi là hành vi phạm tội”, ông nêu quan điểm và cho rằng những người trên chuyến bay lẽ ra đã có nhiều cơ hội sống sót hơn, dù khi đó chiếc Boeing 737-800 không thể hạ được càng đáp và phải trượt bằng bụng với tốc độ cao.

Theo: WSJ, Reuters

Cùng chuyên mục

Đọc thêm