Chứng khoán

Tăng 13% năm 2024, VN-Index thuộc nhóm tăng trưởng cao

Dù không kết thúc năm với thành tích tăng quá ấn tượng, đà tăng của chỉ số VN-Index đã đưa thị trường Việt Nam trở thành một trong số thị trường có mức tăng cao khi so sánh với các quốc gia trên thế giới và khu vực. VN-Index tăng khoảng 13%, mặc dù không quá cao như thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ hay Nhật Bản nhưng cao hơn rất nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia hay Hàn Quốc. Từ diễn biến trên có thể thấy Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung trong khu vực.

Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” diễn ra vào ngày 30/12, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, năm 2024 là một năm thành công đối với diễn biến chung của chỉ số.

“Chúng ta có câu chuyện nền kinh tế tăng trưởng, thể chế chính trị ổn định và có thành quả rất tốt trong năm 2024. Ngược lại, nhìn vào câu chuyện Hàn Quốc có thể thấy những nhiễu động về mặt chính trị đã khiến TTCK giảm khoảng 10% so với đầu năm, thậm chí tỷ giá cũng đã trôi về mức rất xa. Trong một năm khó khăn nhưng chúng ta không hề thua kém các nước phát triển hơn”, ông Sơn nói.

Chuyên gia VPBankS cho biết thêm, TTCK Việt Nam cũng đã ghi nhận năm thứ hai tăng trưởng liên tiếp, với mức tăng gần 13%. “Rõ ràng, đáy của thị trường đã được thiết lập vào năm 2022 và chúng ta đã có hai năm lợi nhuận doanh nghiệp tạo đáy, phục hồi và đi lên rất rõ ràng. Lợi nhuận doanh nghiệp luôn luôn là chỉ báo. Khi lợi nhuận doanh nghiệp tạo đáy và phục hồi, thị trường chứng khoán luôn có tăng trưởng tương tự với mức phục hồi đó. Trong năm 2025, hành trang của chúng ta có một câu chuyện rất quan trọng là kinh tế tiếp tục tăng trưởng trên nền cao, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi”, ông Sơn đưa ra dự báo.

Ngoài ra, chuyên gia VPBankS cho biết, trong năm 2024, dòng vốn dịch chuyển rất lớn từ Việt Nam sang những khu vực phát triển hơn như Mỹ, châu Âu, có lúc lên tới 3 tỷ USD, nhưng thị trường chứng khoán phản ứng không quá rõ ràng. Đây là một sự thành công của chỉ số VN-Index cũng như nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam nói riêng.

Tăng 13% năm 2024, VN-Index thuộc nhóm tăng trưởng cao- Ảnh 1.

Khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, người mua là các quỹ đầu tư trong nước và nhà đầu tư cá nhân đã giúp thị trường ổn định và vững vàng tiến gần sát ngưỡng 1.300 điểm. Đây là giai đoạn đặc thù, nhưng cũng tự hào vì khi nhiều quốc gia bị rút vốn, giảm điểm, thì Việt Nam vẫn vững vàng trên nền cao, định giá hấp dẫn, tăng trưởng lợi nhuận cao.

Lý giải việc dòng tiền sụt giảm mạnh trong năm 2024, ông Sơn cho biết, thực tế, dòng tiền chỉ sụt giảm từ giữa tháng 7 cho đến nay, thanh khoản trung bình năm 2024 đạt trên 21.000 tỷ đồng, là mức cao.

Yếu tố tác động tới thanh khoản mạnh như vậy là nhà đầu tư kỳ vọng vào việc nâng hạng thị trường, tăng trưởng kinh tế cao và xuất nhập khẩu tốt trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, thanh khoản giảm từ nửa sau năm 2024, phần lớn ảnh hưởng đến từ tỷ giá cũng như việc nhà đầu tư nước ngoài rút ròng.

Giai đoạn rút dòng mạnh nhất cũng là sau tháng 6, đồng pha tỷ giá tăng cao. Khi nhà đầu tư ngoại rút ròng thì tỷ giá cũng chịu tác động. Trong giai đoạn trên, thanh khoản từ nhà đầu tư cá nhân có dấu hiệu thận trọng. Mức sụt giảm sâu nhất vào giữa và cuối tháng 11 khi thị trường tạo đáy. Cho đến nay, thanh khoản đã phục hồi về mức trung bình.

Dự báo của ông Sơn, trong khoảng 3-6 tháng tới, thanh khoản có thể lình xình, đi ngang, chưa rõ ràng. Nhưng kể từ sau giai đoạn quý II thì thanh khoản sẽ bắt đầu tăng, tương đối cao. Nếu xu hướng thanh khoản 2024 là: tăng ở đầu năm, giảm về cuối năm thì thanh khoản 2025 sẽ ngược lại: thấp ở đầu năm nhưng tăng rất cao ở cuối năm.

Nguyên nhân là ở khả năng nâng hạng TTCK Việt Nam đã rõ ràng. Ở các nước khác trước khi nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài thường mua trước từ khoảng 3 tháng. Do đó, trước tháng 9/2025 (thời điểm FTSE Russell đưa ra quyết định), thanh khoản Việt Nam sẽ tăng rất đáng kể và đến đầu năm 2026.

Còn giai đoạn hiện tại đang có những nhiễu động về TTCK toàn cầu nói chung, nên thanh khoản có thể chưa tăng được ngay.

Ông Trần Hoàng Sơn cho biết thêm, nửa đầu năm 2025, thị trường tương đối khó khăn do còn nhiều nhiễu động phía trước. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2025, nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm bluechip và vốn hóa lớn, bởi câu chuyện sẽ hướng đến giai đoạn mới, khi Việt Nam được nâng hạng và nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn những nhóm cổ phiếu lớn, nằm trong chỉ số.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm