Giao tiếp và ứng xử khôn khéo là một trong những yếu tố quan trọng để giúp con người đạt được thành công trong công việc và cuộc sống. Tại nơi công sở, việc đối đáp khéo léo với cấp trên cũng là cách chúng ta thể hiện sự nhạy bén trong giao tiếp và tư duy. Ngoài ra, những nhà lãnh đạo có tầm nhìn sẽ đánh giá được tiềm năng của nhân viên, từ đó mang đến cho họ nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.
Trong môi trường công sở, chúng ta không khó để bắt gặp câu hỏi ‘‘Làm việc có mệt không?’’ từ phía cấp trên. Đáng nói, câu hỏi này tuy đơn giản nhưng qua cách trả lời của nhân viên, người quản lý có thể nhìn nhận, đánh giá được nhiều yếu tố về năng lực và con người.
Trong trường hợp bạn trả lời ‘‘có mệt’’, cấp trên có thể cho rằng bạn không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ và có sức chịu đựng kém. Còn câu trả lời là ‘‘không mệt’’ thể hiện sự lơ đãng và lười biếng của nhân sự với công việc. Để làm hài lòng cấp trên, bạn có thể học theo những cách trả lời khôn ngoan, cho thấy trí tuệ cảm xúc cao dưới đây.
Trước tiên, bạn cần xác định được bối cảnh tình huống khi cấp trên đặt ra câu hỏi ‘‘Làm việc có mệt không?’’ đối với bản thân mình. Dưới đây là một số trường hợp cụ thể để bạn dễ dàng theo dõi và lựa chọn.
TH1: Vô tình gặp sếp trong thang máy hoặc ngoài đường
Trong trường hợp bất ngờ gặp sếp trong thang máy hoặc ngoài công ty, nếu bạn nhận được câu hỏi ‘‘Làm việc có mệt không?’’ thì có thể trả lời đơn giản: ‘‘Thưa sếp, em không sao, công việc hiện tại vẫn trong tầm kiểm soát. Cảm ơn sếp đã quan tâm!’’.
Câu trả lời này vừa mang tính báo cáo, vừa thể hiện sự quan tâm và biết ơn của bạn đối với câu hỏi của cấp trên.
TH2: Sếp chủ động đến hỏi thăm tại công ty
Trong trường hợp này, khi cấp trên hỏi ‘‘Làm việc có mệt không?’’, thứ họ quan tâm thường có 2 khả năng:
1. Cấp trên muốn biết tiến độ công việc hiện tại
Với tình huống này, nhiệm vụ của bạn là giải thích thành tích, vấn đề và đưa ra kế hoạch, mục tiêu của bản thân để đạt hiệu quả công việc tốt nhất.
Lúc này, bạn có thể trả lời cấp trên theo công thức: Kết quả + khó khăn + kế hoạch + mục tiêu. Ví dụ: "Tôi vẫn đang bận với dự án A và đang phải làm việc ngoài giờ trong vài ngày. Hiện tại, công việc đã đạt đến giai đoạn B và đã tích lũy được hiệu suất C. Tuy nhiên, tôi đã gặp phải một số vấn đề trong quá trình làm việc. Tôi dự định sẽ làm thêm các kế hoạch này để giải quyết chúng và đạt được hiệu suất tốt nhất’’.
2. Cấp trên muốn nhắc nhở nhân viên về tình trạng làm việc hiện tại
Nếu rơi vào tình huống này, bạn cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề của bản thân và cảm xúc của cấp trên. Cách giải quyết tốt nhất là nhanh chóng thừa nhận thiếu sót của bản thân và hứa sẽ sửa chữa.
Gợi ý câu trả lời: ‘‘Hiện công việc của tôi đang gặp một số khó khăn và tôi vẫn đang cố gắng xử lý chúng. Xin lỗi sếp vì sự trì hoãn trong thời gian qua. Tôi sẽ nỗ lực làm việc và giải quyết vấn đề nhanh và hiệu quả nhất có thể.’’
(Theo Toutiao)