Sáng 20-7, tại hội thảo "Triển khai Nghị Quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược", do Báo Đầu tư tổ chức, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thị trường ngành chăm sóc sức khỏe nói chung và dược phẩm Việt Nam nói riêng đang gia tăng nhanh chóng.
Năm 2022, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt hơn 20 tỉ USD, chiếm 6% GDP, dự báo sẽ tăng đến 23,3 tỉ USD vào năm 2025 và 33,8 tỉ USD vào năm 2030.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu.
Tại Việt Nam, thị trường dược phẩm tăng trưởng mạnh với tổng giá trị từ 3,4 tỉ USD năm 2015 lên đến gần 7 tỉ USD năm 2022. Sản xuất trong nước chiếm khoảng 45% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. Dự báo, đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ lên đến trên 13 tỉ USD. Năm 2022, tiền thuốc bình quân đầu người đạt khoảng 75 USD (tương đương hơn 1,7 triệu đồng)"- bà Ngọc nói.
Đến nay, Việt Nam có 228 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), trong đó có 7 nhà máy sản xuất vắc-xin và 6 nhà máy đóng gói vắc-xin, 77 nhà máy có sản xuất thuốc dược liệu.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện các doanh nghiệp mới chủ yếu đầu tư sản xuất thuốc thông thường, ít chú trọng nghiên cứu, sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh.
"Việc nghiên cứu, chuyển giao các thuốc công nghệ cao cần đầu tư lớn về tài chính, thời gian, nguồn lực... Trong khi chính sách, cơ chế để thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất các thuốc này còn hạn chế"- bà Ngọc nhận định.
Vùng trồng liệu rau đắng đất để sản xuất thuốc của Công ty Traphaco tại tỉnh Phú Yên
Cùng quan điểm, PGS-TS Trịnh Văn Lẩu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam nhấn mạnh thuốc là hàng hóa đặc biệt vì có hàm lượng hoạt chất nhỏ nhưng có tác dụng trực tiếp đến sức khỏe con người.
"Các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư những thuốc xã hội cần và có giá trị kinh tế cao như: thuốc có nguồn gốc dược liệu, thuốc sinh học; vắc-xin, sinh phẩm y tế; các thuốc sản xuất nhượng quyền, thuốc chuyển giao công nghệ , thuốc có dạng bào chế đặc biệt; nguyên liệu làm thuốc generic chuyên khoa/đặc trị.... Cơ quan quản lý cũng cần có chính sách ưu đã thuế cho hoạt động sản xuất và các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, thử tương đương sinh học..."- PGS Lẩu đề xuất.
Đóng góp ý kiến để phát triển ngành y dược Việt Nam, ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group, EuroCham, nhấn mạnh y tế là một trong những ngành xương sống cho sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào. Vì vậy, trách nhiệm phát triển ngành y tế, y dược không chỉ giới hạn ở Bộ Y tế mà cần sự chung tay từ tất cả các bên.
Các chuyên gia "hiến kế” nhằm tạo ra đột phá trong phát triển ngành y dược
Tại hội thảo, đại diện nhiều cơ quan quản lý và tổ chức quốc tế cũng cho rằng Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kim chỉ nam cho các ngành, trong đó có ngành y tế.
Từ thời điểm này, các doanh nghiệp y dược cần đầu tư trang thiết bị, đồng bộ, chuyển giao công nghệ hiện đại; tiếp cận, học hỏi các công nghệ sản xuất dược của các nước tiên tiến. Đồng thời, thay đổi, làm mới chiến lược kinh doanh để nắm bắt thị trường.