Bất động sản

Giá căn hộ Hà Nội tăng 18 quý liên tiếp

Hai phân khúc có nhiều điểm sáng nhất trong quý II/2023 là căn hộ và biệt thự/nhà liền kề.

Đối với phân khúc căn hộ, nguồn cung mới chủ yếu từ dự án hiện hữu, với 3.596 căn hộ trong quý II/2023, tăng 76% theo quý và 125% theo năm. Nguồn cung sơ cấp gồm 20.412 căn hộ, trong đó hạng B chiếm 91% thị phần.

Số lượng giao dịch căn hộ giảm 6% theo quý nhưng tăng 11% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ trung bình của các dự án mới mở bán là 28%.

Giá sơ cấp của căn hộ đã tăng trong 18 quý liên tiếp và cao hơn 73% so với quý I/2019. Nguyên nhân là do giá đất và chi phí xây dựng tăng, phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng.

Trong khi đó, nguồn cầu nhà ở dài hạn vẫn duy trì ở mức cao do tỷ lệ di cư thuần dương, tăng trưởng dân số và và tỷ lệ đô thị hóa cao.

Giá căn hộ Hà Nội tăng 18 quý liên tiếp - Ảnh 1.

Quý II/2023, thị trường

Nói về khả năng phục hồi của thị trường căn hộ, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, đánh giá: “ Tình hình thị trường yên ắng sẽ tiếp tục đến khi lãi suất tiền gửi giảm và thêm nguồn cung mới gia nhập. Chính phủ đang tích cực điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa ”.

Đối với biệt thự/nhà liền kề, số lượng giao dịch theo quý cũng có sự cải thiện. Trong quý II/2023, không có thêm dự án mới trong quý, nguồn cung đến từ hai dự án hiện hữu, tăng 334% theo quý nhưng giảm 14% theo năm.

Giao dịch theo quý được cải thiện, với 106 căn đã bán, tăng 20% dù giảm 65% theo năm.

Theo Savills, đường vành đai 4 vừa được khởi công xây dựng, dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển ở các khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh. Khi đường vành đai 4 thông xe vào năm 2027, nguồn cung nhà ở tại các khu vực này được dự báo tăng 36% so với hiện tại. Điều này sẽ giảm bớt áp lực cho khu vực nội thành với quỹ đất ngày càng hạn hẹp.

Về tương lai của thị trường biệt thự/nhà liền kề, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: “C húng tôi kỳ vọng sự phục hồi sẽ tiếp tục được thúc đẩy từ các chính sách và nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường, giúp tăng tính minh bạch và củng cố thêm niềm tin cho người mua ”.

Trong khi đó, bất động sản thương mại ghi nhận nhu cầu thuê mặt bằng trung tâm thương mại và khối đế bán lẻ cao, tuy nhiên khách thuê văn phòng lại trở nên thận trọng với những quyết định trung hạn.

Cụ thể, nguồn cung mặt bằng trung tâm thương mại tăng 1 % theo quý và 2% theo năm. Nguồn cung tăng trưởng trung bình 3%/năm trong 5 năm qua. Giá thuê cũng ghi nhận mức tăng 13% theo năm.

Phân khúc khách sạn, theo Savills Việt Nam, dự kiến hồi phục hoàn toàn sau năm 2024. Nguồn cung khách sạn tăng 7% theo quý và 10% theo năm, đạt 10.692 phòng.

Công suất phòng tiếp tục được cải thiện, đạt 62% trong quý II/2023. Giá thuê trung bình ghi nhận tại mức 2,5 triệu đồng/phòng/đêm, tăng 26% theo năm sau khi phục hồi giảm tốc.

Về triển vọng của thị trường khách sạn thủ đô, ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc, Savills Việt Nam, nói: “ Khách quốc tế chưa hoàn toàn trở lại và khách Trung Quốc vẫn đang dưới mức năm 2019. Mặc dù chính sách thị thực mới sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhưng thị trường dự kiến chỉ phục hồi hoàn toàn sau năm 2024 ”.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm