Anh Hiếu giải thích ở quê có nhiều muỗi, trong khi đó bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa. Vì vậy, anh muốn phòng bệnh cho con. Bên cạnh đó, bé hiếu động, dễ té ngã, nên anh cũng giúp con phòng ngừa uốn ván cùng não mô cầu, thủy đậu, sởi, cúm.
Đối với anh Hiếu, bệnh sốt xuất huyết "khó chịu hơn cả Covid-19". Hồi tháng 3, anh mắc sốt xuất huyết, bệnh nhẹ nên hồi phục sau một tuần. Còn vợ anh mắc sốt xuất huyết vào ba năm trước, sau đó phải nhập viện điều trị hơn một tuần.
Vợ chồng anh Phạm Gia, 40 tuổi, ở quận Gò Vấp, cho con gái 7 tuổi tiêm vaccine sốt xuất huyết để chuẩn bị cho chuyến đi du lịch các tỉnh phía Bắc hơn một tuần và về quê thăm ông bà. Anh cho biết, chuyến du lịch sẽ đi qua nhiều tỉnh thành, rơi vào mùa sốt xuất huyết nên sợ con mắc bệnh.
Vaccine cần tiêm đủ hai mũi mới tạo đủ kháng thể, trong khi chuyến du lịch sắp cận kề, vợ chồng anh cũng quyết định tiêm cho con. "Dù con chỉ mới tiêm được một mũi vaccine sốt xuất huyết trước chuyến đi, tôi vẫn yên tâm hơn", anh Phạm Gia nói.

Anh Phạm Gia cùng con gái 7 tuổi tiêm vaccine sốt xuất huyết tại Trung tâm VNVC Hoàng Văn Thụ ngày 17/5. Ảnh: Diệu Thuần
Chị Bùi Khánh Linh, 30 tuổi, là giáo viên tiểu học tại quận 7, TP HCM vừa hoàn thành mũi vaccine sởi thứ hai, kết hợp tiêm cúm. Chị tiêm vaccine để chuẩn bị cho chuyến đi Đà Nẵng, Huế và Thành cổ Quảng Trị, Phú Yên và nghỉ hè trong thời gian tới.
Chị Linh có bệnh viêm xoang nên thường bị sổ mũi, đau họng mỗi khi thay đổi thời tiết, nơi ở. "Lịch trình dày đặc, tôi tiêm vaccine để phòng lây nhiễm khi đi chơi và chuẩn bị sức khỏe trước khi vào năm học mới", chị Linh chia sẻ.
BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết từ đầu tháng 5 đến nay, hơn 220 trung tâm tiêm chủng VNVC ghi nhận lượng khách hàng là học sinh, sinh viên, giáo viên đến tiêm vaccine gia tăng. Các vaccine được người tiêm chọn tiêm nhiều gồm sốt xuất huyết, não mô cầu, sởi - quai bị - rubella, cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván. Đây là tín hiệu cho thấy người dân quan tâm bảo vệ sức khỏe trước lịch trình di chuyển về quê, đi chơi, du lịch vào dịp hè.
Theo bác sĩ Đạo, thời tiết mùa hè nắng nóng, kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp như sốt xuất huyết, cúm, sởi, thủy đậu... phát triển. Để chống nóng, người dân áp dụng nhiều cách khác nhau, đồng thời tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập cơ thể như: dùng quạt công suất lớn chiếu trực tiếp vào cơ thể, sử dụng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, uống nước lạnh...

Nghỉ hè, học sinh, sinh viên về quê, đi thăm quan, du lịch, dễ mắc các bệnh như sốt xuất huyết, uốn ván, cúm... Ảnh minh họa: Vecteezy
Để phòng bệnh hiệu quả, người dân được khuyến cáo tiêm phòng vaccine. Các vaccine cần tiêm trước chuyến đi 2-3 tuần để tạo kháng thể bảo vệ hiệu quả.
Đối với sởi, hiện vaccine được Bộ Y tế cho phép tiêm từ 6 tháng tuổi. Người lớn không nhớ lịch sử tiêm chủng cần tiêm phòng 2 mũi cách nhau 1 tháng. Tiêm đầy đủ vaccine có hiệu quả phòng bệnh đến 98%.
Uốn ván có nhiều loại vaccine gồm mũi uốn ván đơn và phối hợp như uốn ván - bạch hầu hấp phụ, bạch hầu - ho gà - uốn ván, có thể tiêm chủng chủ động hoặc tiêm khi có vết thương hở. Vaccine phối hợp có thành phần uốn ván như 5 trong 1, 6 trong 1 cho trẻ em. Vaccine cần tiêm nhắc mỗi 10 năm sau lịch tiêm cơ bản.
Về cúm, vaccine giúp phòng các chủng virus cúm phổ biến gồm cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B. Vaccine tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Sau lịch tiêm cơ bản, mỗi năm cần tiêm nhắc một mũi.
Đối với sốt xuất huyết, vaccine giúp phòng ngừa đầy đủ 4 type huyết thanh virus gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4 cho trẻ từ 4 tuổi đến người lớn. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ nên tiêm vaccine này trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.
Ngoài chủng ngừa, mỗi người cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động, tránh thức khuya, sử dụng chất kích thích để có hệ miễn dịch tốt cũng như nâng cao thể trạng.
Khi đi đến nơi đông người, người dân cần mang khẩu trang, thường xuyên rửa tay và súc họng để tránh nhiễm vi khuẩn, virus. Trong trường hợp mắc bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt, không nên tự mua thuốc uống, điều trị theo mẹo dân gian.