Dù là tỷ phú, nhưng Warren Buffett lại sở hữu những thói quen mua hàng rất tiết kiệm và thông minh.
Nhiều người cho rằng, sống mà không biết tính toán thì muôn đời nghèo, bản thân nếu không giàu thì càng phải cẩn thận khi mua sắm hằng ngày. Không nên chăm chăm mua những thứ đắt tiền mà quên mất cái ta cần chính là những thứ phù hợp với bản thân.
Sẽ không ai dạy bạn cách tiêu tiền, bạn phải tự học cách trở thành người thông minh, nếu không sẽ dẫn đến nhiều khoản tiêu không đáng có. Tỷ phú Warren Buffett đã khuyên các con của mình hãy mua những thứ chúng “cần” chứ không phải những thứ chúng “muốn”.
Làm thế nào để chúng ta phân biệt được giữa “cần thiết” và “ mong muốn”? Dưới đây là 5 mẹo mua sắm thông minh của Buffett có thể giúp bạn chỉ mua những thứ bạn cần, qua đó tiết kiệm được bộn tiền.
1. Không mua đồ giá rẻ, chất lượng thấp
Aii cũng cần mua sắm, và những nhà bán hàng sẽ luôn tìm cách đưa ra những mức giá đầy thu hút để khơi dậy “tính tham rẻ” của mọi người. Khi thấy hàng giá rẻ, con người ta thường mua “thứ mình muốn” mà bất chấp rằng mình có thực sự “cần” món đồ đó hay không.
Một tạp vụ thường đi siêu thị cách ngày, nhưng hôm nay chỉ vì có phiếu giảm giá, có thể tiết kiệm vài nghìn đồng mà cô mua về một đống đồ chưa biết bao giờ sẽ dùng tới. Hoặc một trường hợp khác, một cháu bé vì uống sữa hết hạn mà bị viêm dạ dày - ruột. Do đó, hãy cẩn thận khi mua những thực phẩm trong chương trình khuyến mãi mạnh, vì rất có thể chúng đã sắp hết hạn sử dụng.
2. Không nên "sính" hàng nhập khẩu
Đồ dùng có bền hay không phụ thuộc vào cách sử dụng của bạn. Ngày nay, chất lượng hàng trong nước ngày càng tốt, bạn không cần tốn quá nhiều tiền cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài.
Với mức tài chính bình thường, chúng ta nên đặt mục tiêu tiết kiệm và công năng của món hàng lên hàng đầu, chứ không phải “chạy đua” theo những món hàng đắt tiền vì muốn khoe khoang.
3. Đừng mua đồ có vẻ ngoài đẹp nhưng không thực dụng
Những món đồ “đẹp mã” thường chỉ có thể dùng để trang trí. Bạn sẽ hình thành thói quen mua toàn thứ mình “muốn” nếu không biết dừng việc đổ tiền vào những món hàng có mẫu mã đẹp.
Một người khi tu sửa lại căn nhà đã bỏ ra gần 10 triệu đồng để mua một chiếc tủ rượu bằng gỗ anh đào rất đẹp. Quả thực ngôi nhà đã trông cao cấp hơn hẳn, nhưng chiếc tủ này không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của gia đình, mà còn chiếm rất nhiều diện tích. Sau lần vung tiền quá tay này, người này bắt đầu cảm thấy hối hận "tại sao lúc ấy lại không mua bộ tủ dựa tường, vừa thiết thực lại đẹp mắt".
4. Không mua những sản phẩm mới có tính năng độc đáo nếu không cần thiết
Giới trẻ thường liên tục thay đổi điện thoại di động theo trào lưu. Các sản phẩm điện tử luôn được đổi mới liên tục, và các sản phẩm mới ra mắt đều có giá thành rất cao.
Thế nên, chúng ta chỉ nên mua điện thoại mới khi công việc yêu cầu, còn trường hợp cần nâng cấp để chơi game, hoặc để thỏa mãn sự phù phiếm của riêng mình… thì bạn nên cân nhắc xem có thật sự “cần” nâng cấp thiết bị hay không.
Không ít người tiêu dùng đã mua một chiếc TV LCD mới có chức năng chiếu 3D và rạp hát gia đình, nhưng những chức năng này đều không bao giờ được sử dụng sau khi mua về. Qua đó, khi mua hàng, mọi người nên nghĩ đến “nhu cầu” thực tế hơn là “ham muốn” nhất thời tại thời điểm đó.
5. Đừng vội vàng “chốt” đơn
Dù đang ở trung tâm mua sắm hay một cửa hàng trực tuyến, trước tiên bạn nên xác định mình “cần” mua gì. Nếu bạn “muốn” mua một món gì đó nằm ngoài ngân sách của mình, bạn nên cân nhắc ít lâu, bẵng đi một lúc bạn sẽ biết được mình có thật sự cần nó không, thói quen này sẽ giúp giảm thiểu việc tiêu xài hoang phí cho những thứ không cần thiết.
Phụ nữ thích lướt các cửa hàng online để xem quần áo đẹp, mỹ phẩm… Trong một phút nóng lòng họ thường sẽ “chốt” đơn ngay, tuy nhiên, bạn cứ để hàng trong “giỏ hàng’’ một thời gian, đợi đến lúc thực sự “cần” mới mua cũng không muộn.
Biết tiêu tiền, biết tiết kiệm, biết dùng tiền đúng chỗ cũng là một loại trí tuệ. Mua sắm một cách tỉnh táo và thông minh sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoảng kha khá, bên cạnh đó, 5 mẹo mua hàng kể trên cũng phần nào giúp bạn khôn khéo hơn khi đứng trước sự lựa chọn “cần” và “muốn” khi mua hàng.
Theo Toutiao