Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong đó nêu cụ thể hướng tăng vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt với “Big 4” do có sở hữu chi phối của Nhà nước.
Cụ thể, về tăng vốn điều lệ đối với các NHTM nhà nước, NHNN cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo 4 NHTM nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính. Hiện NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.
Cũng theo NHNN, các NHTM cổ phần về cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Về tăng vốn đối với các NHTM cổ phần: Năm 2022, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 NHTM cổ phần; trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng mua bắt buộc: Trên cơ sở phê duyệt của cấp có thẩm quyền, NHNN đã và đang chỉ đạo các ngân hàng này khẩn trương hoàn thiện phương án cơ cấu lại, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.