Theo Tổng cục Thống kê 9 tháng năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường…
Những diễn biến này vượt khỏi khả năng dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế và tạo áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là áp lực kiểm soát lạm phát nhưng vẫn phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2022, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Xin bà cho biết một số nét đặc trưng về tình hình kinh tế -xã hội quý III và 9 tháng năm 2022?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch COVID-19 xảy ra như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước do quý III/2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; khu vực dịch vụ tăng 18,86%.
Về sử dụng GDP quý III/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 10,08% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 38,21% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 8,7%, đóng góp 21,13%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,32%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,72%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 40,66%.
GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Phóng viên: Doanh nghiệp là chủ thể quan trọng, tạo ra trên 60% GDP của toàn nền kinh tế. Theo số liệu thống kê cứ 10 doanh nghiệp tham gia thị trường sản xuất kinh doanh thì có 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; khu vực doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về giá nguyên, nhiên, vật liệu, chi phí logistics tăng cao; thiếu hụt lao động…
Thưa bà đâu là giải pháp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo ra tăng trưởng trong 9 tháng năm 2022?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có sự phục hồi và tăng trưởng trong 9 tháng năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành và bản thân các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo đó, về phía Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để như: đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư…
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp bằng việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu liên tục trong thời gian qua đã làm giảm áp lực về chi phí đầu vào cũng như áp lực về vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới. Hiện, nhiều doanh nghiệp thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới; đồng thời, chú trọng hơn đến việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chế độ giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường.
Phóng viên: Trong 9 tháng, chúng ta đã thành công trong kiểm soát lạm phát, tuy vậy sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm rất lớn với nhiều địa phương không còn miễn giảm và đã tăng phí dịch vụ giáo dục, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cao, gia tăng tín dụng ngân hàng. Thưa bà, đâu là các giải pháp để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu của năm 2022?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trong 3 tháng cuối năm 2022, kinh tế trong nước có khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng dần khi giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới và giá sản xuất trong nước đang ngày càng tăng cao.
Nhằm kiểm soát lạm phát, Tổng cục Thống kê kiến nghị một số giải pháp điều hành, trước tiên Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam.
Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu…
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ xăng dầu trong nước, quản lý và kiểm soát chặt chẽ sử dụng xăng dầu nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Các bộ, ngành nghiên cứu tìm giải pháp điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương... từ đó giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Phóng viên: Kinh tế nước ta có độ mở lớn, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tổng cầu của bên ngoài. Vậy xin bà cho biết giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2022 trong bối cảnh các đối tác kinh tế của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái?
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Quý III và 9 tháng năm 2022, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao với tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước; 9 tháng năm 2022 tăng 8,83%.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và ngày càng có quan hệ sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới nên biến động giá cả hàng hóa trên thế giới có tác động nhất định đến giá cả và lạm phát trong nước, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tổng cầu của bên ngoài.
Trong khi đó, tình hình thế giới vẫn biến động phức tạp, khó lường, các vấn đề căng thẳng địa chính trị khu vực, toàn cầu, lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều nước; giá dầu thô, khí đốt, một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh; tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, thị trường quốc tế bị thu hẹp, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực.
Những diễn biến này vượt khỏi khả năng dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế và tạo áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là áp lực kiểm soát lạm phát nhưng vẫn phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2022, theo tôi chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp như: Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được giao; nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
Cùng với đó, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt cần khẩn trương hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.
Ước tính đến hết tháng 8, gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng, tương đương chưa đến 0,1% kế hoạch giải ngân trong năm 2022. Việc triển khai gói cấp bù lãi suất 2% đang rất chậm so với kế hoạch của Chính phủ.
Vì vậy, việc đẩy nhanh triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi mới được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng vào ngày 22/9/2022, sẽ bù đắp phần nào việc tăng lãi suất do sức ép từ việc tăng lãi suất huy động và có thể giúp giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, giá cả, lạm phát và các chính sách tiền tệ, tài khóa của các đối tác lớn trên thế giới, chủ động xây dựng các kịch bản và kịp thời ứng phó để hạn chế tối đa các ảnh hưởng, tận dụng cơ hội để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Ngoài ra, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã kí kết, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Phóng viên: Xin cám ơn bà!