Trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 32 tối ngày 15/5, đội tuyển nữ Việt Nam đã bảo vệ thành công chức vô địch sau chiến thắng với tỷ số 2-0 trước Myanmar.
Với chiến thắng này, đây là lần thứ 8 Việt Nam giành chức vô địch, đồng thời thiết lập nên kỷ lục ấn tượng khi là đội bóng đầu tiên giành HCV ở 4 kỳ SEA Games liên tiếp.
Sau chiến tích ấn tượng, đoàn quân HLV Mai Đức Chung đã được thưởng nóng lớn. Trong đó, hãng bay Vietjet Air, doanh nghiệp do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị đã dành tặng các cầu thủ, ban huấn luyện và các thành viên của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam một năm bay miễn phí trên tất cả các đường bay nội địa Vietjet đang khai thác.
Không chỉ thưởng lớn cho đội tuyển bóng đá nữ, trong thời gian qua doanh nghiệp của nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam luôn dành sự quan tâm và đồng hành cùng thể thao Việt Nam, các giải đấu như SEA Games, trong đó có bóng đá nữ, U23 Việt Nam, cờ vua, Futsal, Paralympic...
Vietjet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thưởng lớn cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam
Về phần mình, trước đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Vietjet từ ngày 6/4, kế tiếp vị trí của bà Nguyễn Thanh Hà.
Không chỉ được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny. Nữ tỷ phú 53 tuổi người Hà Nội hiện là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng tỷ phú thế giới 2023 được Forbes công bố, Chủ tịch Vietjet đang sở hữu khối tài sản trị giá 2,2 tỷ USD, đứng thứ 1.368 thế giới và thứ 2 trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam trong năm 2023 sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo báo cáo quý 1/2023, doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet Air đạt 12.880 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 168 tỷ đồng, tăng lần lượt 286% và 320% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 4.312 tỷ đồng, đóng góp hơn 33% tổng doanh thu.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet Air ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 12.898 tỷ đồng và 173 tỷ đồng. Trong ba tháng đầu năm, Vietjet Air đã khai thác an toàn 31,3 nghìn chuyến bay, vận chuyển gần 5,4 triệu lượt hành khách, tăng 57% và 75% so với quý I/2022. Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân cao 85%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,59%.
Trong quý, tổng sản lượng hàng hóa Vietjet vận chuyển đạt hơn 14,8 nghìn tấn, tăng 20% so cùng kỳ 2022.
Vận tải hành khách quốc tế tiếp tục là điểm sáng với việc đóng góp gần 45% tổng doanh thu vận tải hành khách và chiếm 30% về số lượng chuyến bay và lượt khách.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Vietjet Air đạt hơn 69,2 nghìn tỷ đồng, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 1 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần nằm ở mức an toàn trong ngành hàng không. Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp trong quý 1/2023 là 1.053 tỷ đồng.
Ngay trước cao điểm hè, chỉ trong một tuần, hãng hàng không Vietjet đã chào đón 3 tàu bay A321 neo ACF thế hệ mới gia nhập đội tàu hiện đại của hãng. Kế hoạch doanh thu hợp nhất cho năm 2023 là trên 50.178 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng.