Ông Trần Bảo Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cho biết, dự án sân bay Nong Khang được đầu tư theo hình thức (BT) Xây dựng - Chuyển giao. Hợp đồng số LAO-ATP01, ký ngày 15/06/2013 giữa Bộ Giao thông Công Chính (GTCC) làm chủ đầu tư, Cục Hàng không dân dụng làm đại diện; Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu là nhà thầu; Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng Sân bay Việt Nam ADCC tư vấn thiết kế, giám sát theo tiêu chuẩn 3C của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO).
Tổng mức đầu tư của dự án là 82 triệu USD, trong đó giá trị hợp đồng ban đầu là 74 triệu USD và giá trị xây dựng phát sinh là 8 triệu USD. Thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Dự án được gia hạn lần 3 đến ngày 30/04/2023.
Nguồn kinh phí xây dựng dự án do Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ký hợp đồng cho Chính phủ Lào vay, đại diện là Bộ Tài chính Lào. Đến tháng 12/2019, dự án chuyển đổi chủ thể cho vay từ HAGL sang Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).
Năm 2021, Tập đoàn THACO tiếp quản và điều hành Công ty HAGL Agrico, đồng thời THACO cũng tiếp quản dự án sân bay Nong Khang để tiếp thục thực hiện đẩy nhanh tiến độ bàn giao.
Trong quá trình tiếp quản dự án, THACO đã rất nỗ lực để triển khai, tuy nhiên, do dự án đã hết thời gian thực hiện Hợp đồng và phần chi phí phát sinh chưa được phê duyệt (Hợp đồng xây dựng được ký điều chỉnh vào 30/06/2022); Cùng với đó là tình hình dịch bệnh COVID-19 liên tiếp trong 2 năm 2021-2022 nên việc tập kết máy móc, thiết bị và nhân lực không thể thực hiện được.
Đến ngày 9/05/2022, khi được Chính phủ Lào cho phép nhập cảnh, Nhà thầu đã huy động nhân sự có mặt tại công trường và tổ chức thi công hoàn thành dự án theo kế hoạch. Đến nay, dự án sân bay Nong khang đã chính thức hoàn thành để thực hiện Lễ khánh thành và bàn giao cho Cục Hàng Không dân dụng Lào vào ngày 15/05/2023 hôm nay.
Sân bay Nong Khang đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế của tỉnh Houaphan nói riêng và vùng Đông - Bắc Lào nói chung, giúp kết nối nhanh chóng khu vực với Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh/ thành phố khác.
Ngoài ra, sân bay Nong Khang còn nằm trong khu vực cửa ngõ giao thương kinh tế đường bộ của Lào và Việt Nam, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu qua biên giới 2 nước. Sân bay đi vào hoạt động không chỉ giúp phát triển du lịch và kinh tế cho tỉnh Houaphan mà còn là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị bền vững giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Lào.
Nhận thức được tầm quan trọng của sân bay Nong Khang, THACO và Công ty Hoàng Anh Gia Lai Agrico đã tổ chức bộ máy quản lý dự án chuyên nghiệp, có chuyên môn cao, với tinh thần luôn đồng hành cùng các đơn vị liên quan từ khâu thiết kế, giám sát thi công và nghiệm thu nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và mỹ thuật công trình. Ước tính khi hoàn thành, sân bay Nong Khang có công suất phục vụ 100.000 lượt khách/năm.
Ông Phu Thong In Thạ Sẻng - Giám đốc dự án xây dựng sân bay Nong Khang, đại diện cho Chủ dự án cho biết, dự án xây dựng sân bay Nong Khang, huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa phăn là một dự án nằm trong kế hoạch chiến lược và phát triển của ngành Giao thông công chính về công việc hàng không dân dụng theo đường lối của Chính phủ trong việc chuyển đổi đất nước hội nhập với khu vực và thế giới.
Dự án xây dựng đạt khả thi theo tiêu chuẩn sân bay của Cục hàng không dân dụng và tổ chức hàng không quốc tế (ICAO) đã đề ra như sau: việc xây dựng sân bay Nong Khang được nằm trong nhóm 3C (Aerodrome Code 3C), có thể tiếp đón máy bay loại 70-100 chỗ ngồi chủ yếu là: ATR 72, MA-60 hoặc tương đương.
Các hạng mục dự án sân bay Nong Khang bao gồm các hạng mục sau: Đường băng lên xuống: có chiều dài 2.400m và rộng 30m, bao gồm vai đường băng lên xuống chiều rộng mỗi bên là 3m, khu vực an toàn đầu sân và khu vực an toàn cạnh bên; Đường lăn: có chiều dài 185m rộng 18m, vai đường lăn rộng mỗi bên là 3.5m. Bãi đậu máy bay: có chiều dài 110m, rộng 100m, vai bãi đậu máy bay mỗi bên là 3.5m có thể đậu máy bay ATR-72 cùng nhau được 2 chiếc;
Nhà ga: có tổng diện tích 3.288m2 là tòa nhà hai tầng có thể tiếp đón hành khách lên đến 100.000 người/năm; Phòng quản lý sân bay: có tổng diện tích 596.6m2 nằm bên trong nhà ga sân bay; D8ịa điểm phục vụ sân bay: bao gồm các nhà để phương tiện, thiết bị bảo dưỡng sân bay có diện tích 3.150m2 và tòa nhà để phuơng tiện, thiết bị phục vụ cho hàng không có diện tích là 1.856m2; Trạm chữa cháy: theo tiêu chuẩn của cơ quan hàng không quốc tế (ICAO) là CAT 5 trạm chữa cháy nằm trong nhà để phương tiện, thiết bị bảo dưỡng sân bay.
Trạm khí tượng; Nhà quản lý hệ thống điện; Hệ thống nước sử dụng cho sân bay; Hệ thống thoát nước sân bay; Đường xung quanh sân bay và đường dịch vụ sân bay; Hng rào sân bay; Đài phát thanh hỗ trợ sân bay; Đường vào sân bay; Hệ thống điện sân bay; Công việc lắp đặt các thiết bị phục vụ sân bay.
Theo ông Phu Thong In Thạ Sẻng, qua việc tổ chức thực hiện dự án dự án xây dựng sân bay Nong Khang các hạng mục tổ chức thực hiện hoàn thành có thể đánh giá việc quản lý xây dựng đạt hiệu quả và kết quả theo tiêu chuẩn của Cục hàng không dân dụng và Cơ quan hàng không quốc tế (ICAO) đề ra, Ban chịu trách nhiệm dự án xây dựng đã xuống thường trực dự án để giám sát kiểm tra công việc xây dựng tại dự án, phối hợp với Công ty tư vấn và Công ty tổng thầu xây dựng.
Đồng thời chính quyền cấp trung ương và cấp địa phương đã quan tâm trong việc xuống chỉ đạo thực tế công việc hiện trường và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện dự án đạt kết quả.
Việc bàn giao dự án lần này còn vài hạng mục công việc sẽ phải tiếp tục chi tiết và sửa chữa lại để cho đẹp hơn giao cho Công ty trong thời gian bảo hành dự án, Ban quản lý dự án sẽ tiếp tục quản lý phối hợp với Công ty tư vấn và Công ty tổng thầu xây dựng dự án.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Quốc Phương, Thứ Trưởng Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Hợp Tác Việt Nam - Lào cho biết sân bay Nọng Khang là một trong những dự án trọng điểm được Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao để hoàn thành, đưa vào vận hành tuân thủ đúng những quy định, yêu cầu về kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng của công trình.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần cải thiện, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Lào nói chung và tỉnh Hủa Phăn nói riêng. Dự án sân bay Nọng Khang trải qua nhiều khó khăn kể từ thời điểm khởi công dự án, nhất là tác động của đại dịch COVID-19, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, vào cuộc mãnh mẽ của các Bộ, ngành, Ủy ban hợp tác hai nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, các cơ quan chức năng hai nước và sự nỗ lực, cố gắng của đơn vị tổng thầu, thi công đã khắc phục khó khăn, vướng mắc, quyết tâm hoàn thành dự án, bảo đảm chất lượng và bàn giao cho Chính phủ Lào ngày hôm nay.
"Tôi trân trọng cảm ơn Chính phủ và các cơ quan chức năng của Lào và đánh giá cao, ghi nhận nỗ lực của Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai trong việc phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của dự án. Việc hoàn thành và bàn giao dự án khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ hai nước trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo sự phát triển đột phá nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án hợp tác kinh tế trọng điểm, chiến lược giữa hai nước.
Tôi đề nghị Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Lào để thực hiện tốt công tác bảo trì, bảo hành, vận hành và thực hiện đầy đủ cam kết theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký với Chính phủ Lào.
Nhân dịp này, Tôi trân trọng đề nghị Chính phủ Lào chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan hoàn thành các thủ tục tiếp nhận và vận hành hiệu quả dự án; đồng thời tiếp tục quan tâm, sớm xem xét giải quyết các kiến nghị của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai", Thứ Trưởng Trần Quốc Phương nói.