Thời sự

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt: Chính sách ổn định tạo lợi thế thu hút đầu tư vào ngành điện

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ( Quy hoạch điện VIII).

Quy hoạch điện VIII được ban hành với một số nội dung cụ thể như: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân  khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.

Bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Với nội dung về năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Đối với chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%. 

Đồng thời, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

Quy hoạch điện VIII được ban hành đã đáp ứng mong mỏi của của người dân và doanh nghiệp sau thời gian dài chờ đợi. Bởi đây không chỉ chính sách quan trọng cho sự phát triển của ngành điện mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Với ngành điện, việc ban hành quy hoạch điện VIII là cơ sở quan trọng trong việc triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu mà quy hoạch này đề ra. 

Phát biểu tại Hội thảo ''Quy hoạch điện VIII – Những vấn đề đặt ra và giải pháp'' diễn ra chiều 15/5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cũng nhấn mạnh, quy hoạch điện VIII tạo cơ sở quan trọng để thực hiện phát triển bền vững năng lượng trong nước, bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh trên thế giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. 

Đánh giá đây là quy hoạch khó, tác động lớn đến phát triển điện lực, liên quan đến thực hiện các mục tiêu phát triển của nước ta. Điểm khó khác của Quy hoạch điện VIII là có bối cảnh rất khác với bối cảnh lập các quy hoạch điện trước.

Bởi xu thế tiêu thụ của năng lượng của thế giới tác động cơ bản đến việc khai thác, sử dụng năng lượng, trong đó gần đây xu thế giảm tiêu thụ carbon đang là rào cản với các nền kinh tế. Ngoài ra, các yếu tố bất thường như căng thẳng địa chính trị cũng đòi hỏi các quốc gia phải xem lại bài toán năng lượng, phát triển điện lực.

Chính sách ổn định tạo lợi thế thu hút đầu tư vào ngành điện

Ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP). (Ảnh: Hạ An).

Nhấn mạnh yêu cầu phải có môi trường chính sách ổn định thì nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư vào lĩnh vực điện Việt Nam, các chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao việc ban hành quy hoạch điện VIII.

Chia sẻ tại Hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng", ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) cho hay, một nền kinh tế muốn thịnh vượng thì phải có nguồn năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, kể cả về giá cả hay tính độc lập, không bị quá phụ thuộc vào nguồn nào.  

Trong những năm qua, vai trò quan trọng của khu vực tư nhân đóng góp vào hệ thống năng lượng bền vững. Nhất là sự bùng nổ về hệ thống điện mặt trời, nhất là năm 2019 và sau đó thì là điện gió. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo.

"Việt Nam đang dẫn đầu trong các nước ASEAN về hệ thống điện tái tạo, điện mặt trời, điện gió chiếm tới 50% năng lực về sản xuất được lắp đặt ở Việt Nam. Với cơ cấu như vậy, Việt Nam đang hướng tới trở thành một quốc gia có nguồn năng lượng đa dạng hoá và độc lập về nguồn năng lượng".

Việc ban hành quy hoạch điện VIII với nội dung định hướng đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% cho thấy vai trò quan trọng của năng lượng tái tạo trong sự phát triển của ngành điện.

Dưới góc độ một đơn vị tư vấn phát triển năng lượng, ông Philipp Munzinger cho hay, mạng lưới điện đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của ngành điện cũng như cả nền kinh tế. Với quy hoạch điện VIII, Tập đoàn điện lược Việt Nam (EVN) sẽ có những cơ sở để đặt ra mục tiêu đầu tư vào hệ thống lưới điện quốc gia.

Hiện tại, hạn chế lớn nhất của EVN là việc nguồn tài chính hiện tại chưa cho phép mà chủ yếu dựa vào nguồn vốn ODA. Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể để thu hút đầu tư vào hệ thống hạ tầng cho truyền tải điện. Trong đó, cần có nguồn vốn ưu đãi để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện, làm cơ sở để phát triển điện gió, điện mặt trời.

Đặc biệt, phải có môi trường chính sách ổn định thì nhà đầu tư mới yên tâm đầu tư vào lĩnh vực điện  Việt Nam. Bởi một dự án năng lượng thường có thời gian kéo dài, với quy hoạch điện VIII được ban hành, tính ổn định của chính sách sẽ cao hơn, thu hút thêm nhà đầu tư quan tâm vào điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam qua đó góp phần đạt mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% vào năm 2050.

Đánh giá ngành điện của Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề giá điện mặt trời, điện gió hay việc đấu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia, ông Philipp Munzinger cho hay: "Bản thân với nước Đức giai đoạn năm 2011, 2012 cũng bộc lộ những vấn đề về giá điện không thoả đáng, những biến động bất thường khiến lưới điện quốc gia không duy trì được sự ổn định".

Việc mở rộng điện mặt trời, điện gió tạo nên thách thức với mạng lưới điện cũ. Trong những năm qua, lưới điện quốc gia chưa phát triển nhanh tương ứng với sự phát triển của điện mặt trời, điện gió, đồng thời tính tự động hoá cao cũng chưa cao.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch, CME Solar Investment. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Phân tích thêm về yếu tố giá điện, ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch, CME Solar Investment cho hay, việc đẩy mạnh tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ mang đến ba lợi ích: Đảm bảo an ninh năng lượng; nâng cao chất lượng của dòng vốn đầu tư, phát triển bền vững và câu chuyện chi phí về năng lượng.

Theo ông Kiên khi sử dụng năng lượng điện mặt trời, điện gió, doanh nghiệp sẽ được hưởng chi phí năng lượng rẻ hơn nếu biết cách khai thác những thế mạnh đang có. "Chúng tôi hiện đang vận hành theo mô hình đầu tư toàn bộ điện mặt trời áp mái, vận hành và bán cho doanh nghiệp với chi phí rẻ hơn".

Rõ ràng, với việc khai thác tiềm năng bức xạ ở Việt Nam và hệ thống áp mái hiện chưa sử dụng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp. Việc làm điện áp mái không có câu chuyện về giải toả đất đai, áp lực lên hệ thống truyền tải điện. Đây là những khía cạnh nhỏ nhưng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nội dung này cũng phù hợp với định hướng đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong quy hoạch điện VIII.

Căn cứ quan trọng để phát triển thị trường vốn xanh

Ông Philipp Munzinger cũng nhấn mạnh những chính sách lâu dài và phương án tính giá điện hài hoà, cân đối cũng là những lợi thế giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn quốc tế đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Ở góc độ một đơn vị phân tích về thị trường vốn, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Fiingroup cũng cho hay, Quy hoạch điện 8 được Chính phủ phê duyệt là chính sách quan trọng không chỉ cho sự phát triển của ngành điện mà cả đến thị trường vốn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì dư nợ tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo đạt khoảng hơn 212.000 tỷ đồng vào cuối 2021, chiếm khoảng 47% dư nợ cấp tín dụng xanh của toàn hệ thống.

Trong đó, dư nợ cấp tín dụng tập trung chủ yếu vào các dự án điện mặt trời và thủy điện, chiếm 87% tổng dư nợ cấp tín dụng cho năng lượng tái tạo.  

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Các chương trình tín dụng này sẽ ưu tiên cho các dự án có mô hình tăng trưởng xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán carbon.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm