Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phát triển xanh và bền vững từ nhà đầu tư, đối tác và người tiêu dùng trên thị trường quốc tế.
Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc đầu tư toàn cầu, Bộ phận Tài chính khí hậu - Quỹ ResponsAbility Investments Ag (Thụy Sĩ), cho biết một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).
Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng: phải áp dụng thực hành ESG để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi "cuộc chơi".
Theo ông Duy, thực hành ESG là bước khởi đầu của việc gọi vốn, giúp startup nâng cao cơ hội nhận vốn từ quỹ đầu tư tạo tác động. Trong năm 2024, tổng số tiền mà các quỹ trên thế giới đã đầu tư vào startup tài chính khí hậu lên đến 653 tỉ USD. Đây là con số ấn tượng, cho thấy tài chính khí hậu là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực quản lý tài sản toàn cầu.
"Tôi muốn nhấn mạnh con số đầu tư vào tài chính khí hậu này để thấy rõ rằng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững đang mang lại những cơ hội lớn. Cá nhân tôi cho rằng việc chuyển đổi xanh và đầu tư bền vững từ góc độ doanh nghiệp không chỉ là thách thức mà còn là một cơ hội lớn" - ông Duy nhìn nhận.
Ông Duy cho rằng nếu doanh nghiệp chỉ nhìn vào ESG như một thách thức thì có thể sẽ tiếp tục với tâm thế bị động. Trong khi đó, nếu thay đổi góc nhìn, ESG mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn, giúp phát triển bền vững, tạo ra lợi nhuận tốt, có tác động tích cực đến xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ sau này.