Công nghệ

HarmonyOS tìm cách loại bỏ "gốc gác" Android

Tại HDC 2024, sự kiện thường niên dành cho nhà phát triển của Huawei diễn ra ngày 21-23/6 ở Trung Quốc, công ty giới thiệu phiên bản hệ điều hành di động mới HarmonyOS NEXT với nhiều khác biệt trong phần lõi so với HarmonyOS 4.

Trước đây, HarmonyOS dựa trên lõi Linux và mã nguồn mở Android (AOSP) - những yếu tố để cấu thành một phiên bản Android tùy chỉnh. Tuy nhiên với HarmonyOS NEXT, bộ khung này được loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó là hệ thống và lõi do Huawei phát triển. Bước đi mới giúp hãng thể hiện cam kết về một hệ sinh thái phần mềm "tự cung tự cấp", giảm tối đa sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

HarmonyOS NEXT thay đổi giáo diện và cấu trúc độc lập với Android. Ảnh: Huawei

HarmonyOS NEXT thay đổi giao diện và cấu trúc độc lập với Android. Ảnh: Huawei

Huawei tuyên bố thay đổi này cải thiện 30% tổng thể về mặt hiệu năng cho thiết bị so với HarmonyOS 4. Máy sẽ khởi chạy ứng dụng nhanh hơn, chạy đa nhiệm mượt mà và trải nghiệm người dùng tốt hơn. Bên cạnh đó, hệ điều hành có thể tiết kiệm điện năng tiêu thụ khoảng 20% so với trước, mang đến thời lượng pin dài và tính hiệu quả trong hoạt động của thiết bị.

Hệ điều hành mới cũng tích hợp AI với tên gọi Harmony Intelligence (HI) giúp thực thi nhiều tác vụ cần tới trí tuệ nhân tạo trực tiếp ngay trên thiết bị, tận dụng sức mạnh của bộ xử lý. Hiện Harmony Intelligence cho phép người dùng tạo ảnh "không đụng hàng" trên máy, khôi phục chất lượng âm thanh, miêu tả môi trường thông qua tín hiệu âm thanh...

Tính năng AI cũng được mở rộng sang ứng dụng của nhà cung cấp thứ ba. Lập trình viên hiện có thể tận dụng HI để đưa vào ứng dụng của họ, mở khóa những khả năng mới như đọc văn bản thời gian thực, điền biểu mẫu thông minh, dịch ảnh, văn bản chuyên nghiệp.

HarmonyOS NEXT dự kiến phát hành chính thức vào quý IV/2024, đủ thời gian để các nhà phát triển chỉnh sửa ứng dụng theo cấu trúc mới của hệ điều hành. Bằng việc độc lập hóa cấu trúc, tích hợp AI và cải thiện bảo mật, nền tảng được kỳ vọng giúp Huawei tăng sức cạnh tranh cho các thiết bị phần cứng trước Apple, Samsung.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm