Tài chính

Tham vọng với hàng loạt siêu dự án đắt đỏ, xây hơn 2km tốn 100 tỷ USD và khu trượt tuyết giữa sa mạc: Đại gia Trung Đông có thực sự ‘giàu’ đến thế?

Tham vọng với hàng loạt siêu dự án đắt đỏ, xây hơn 2km tốn 100 tỷ USD và khu trượt tuyết giữa sa mạc: Đại gia Trung Đông có thực sự ‘giàu’ đến thế?- Ảnh 1.

Ả Rập Xê Út đã “cầm trong tay” 54 tỷ USD trong năm nay để thực hiện tham vọng chi tiêu “khủng”, tương đương khoảng 5% GDP. Quốc gia này đang nợ chồng chất, phải bán cổ phần của tập đoàn dầu khí lớn nhất là Aramco và rút tiền đầu tư khỏi các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã nắm giữ rất nhiều tiền, vương quốc này phải đối mặt với những lựa chọn tài chính khó khăn. Các dự án lớn trong tương lai ngày càng tốn kém và đợt cải tổ nền kinh tế cũng cực kỳ đắt đỏ.

Nhìn chung, Ả Rập Xê Út đã giải ngân hơn 1 nghìn tỷ USD cho các dự án trong kế hoạch Vision 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ. Đối mặt với việc khó tìm được nguồn vốn, các quan chức nước này cho biết họ bắt đầu thu hẹp quy mô của một số kế hoạch vì thiếu hụt hàng trăm tỷ USD.

Tim Callen, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington, dự đoán giá dầu sẽ tăng đáng kể trong những năm tới, nếu nước này thực hiện cách tiếp cận rủi ro thì họ sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là khi giá dầu giảm.

Các quan chức Ả Rập Xê Út cho biết họ tự tin rằng họ có nền tảng tài chính ổn định và có rất nhiều đòn bẩy để tiếp tục rót tiền cho các khoản đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê Út Mohammed al-Jadaan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi đầu năm nay rằng, mức thâm hụt hiện tại của họ là khoảng 2% GDP, một con số chấp nhận được. Ông cho hay: “Chừng nào tình trạng thâm hụt vẫn thúc đẩy tăng trưởng và các chương trình cần nguồn vốn thì tôi nghĩ đó là điều tốt."

Tham vọng với hàng loạt siêu dự án đắt đỏ, xây hơn 2km tốn 100 tỷ USD và khu trượt tuyết giữa sa mạc: Đại gia Trung Đông có thực sự ‘giàu’ đến thế?- Ảnh 2.

Tuy nhiên, “tài sản quý” của Ả Rập Xê Út là 97% cổ phần trong Aramco lại không mang về nhiều tiền như họ kỳ vọng. Ban đầu, các quan chức dự định huy động từ 40 đến 50 tỷ USD từ việc phát hành thêm cổ phiếu. Nhưng trong tháng này, họ quyết định con số cuối cùng là 11,2 tỷ USD với 0,64% cổ phần, sau khi các ngân hàng gặp khó khăn trong việc tìm người mua.

Dù số cổ phiếu Aramco mà nhà nước Ả Rập Xê Út sở hữu có vốn hoá gần 1,8 nghìn tỷ USD, song việc tìm kiếm người mua hàng chục tỷ USD lại khó khăn, dù là bất kỳ công ty nào. Việc Aramco niêm yết trên sàn chứng khoán quy mô nhỏ trong nước - nơi nhiều quỹ phương Tây không hoạt động, khiến “nhiệm vụ” này càng gặp trắc trở.

Hơn nữa, cổ phiếu Aramco hầu như không tăng giá trong 3 năm qua, trong khi các đối thủ như Exxon Mobil và Shell tăng hơn 70%.

Một nguồn huy động vốn khác cũng gặp khó. Trong quý I, quỹ đầu tư nhà nước PIF đã bán khoảng 15 tỷ USD cổ phiếu các công ty Mỹ - phần lớn là các công ty công nghệ. Theo đó, danh mục của họ có giá trị 20,5 tỷ USD tính đến tháng 3.

Các khoản đầu tư quốc tế khác của PIF phần lớn là cổ phần trong các công ty tư nhân sẽ mất nhiều thời gian hơn để bán và các khoản trong các quỹ PE mất nhiều năm mới nhận được tiền.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là quy mô của kế hoạch Vision 2030. Phần lớn số tiền mà họ huy động được sẽ được đổ vào hơn 20 dự án phát triển bất động sản khổng lồ và tạo ra một thành phố hoàn toàn mới tên là Neom.

Tham vọng với hàng loạt siêu dự án đắt đỏ, xây hơn 2km tốn 100 tỷ USD và khu trượt tuyết giữa sa mạc: Đại gia Trung Đông có thực sự ‘giàu’ đến thế?- Ảnh 3.

Dự án thành phố "thẳng" Neom của Ả Rập Xê Út.

Neom là nơi Ả Rập Xê Út đang xây dựng một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên núi khô cằn và giai đoạn đầu của dự án dự kiến là 2 toà nhà chọc trời kéo dài hơn 170 km và cao gần 500 mét có tên là Line. Nhiều dự án lớn nhất đến nay mới bắt đầu được đẩy mạnh xây dựng để hoàn thành vào năm 2030.

Theo WSJ, nguồn tin thân cận cho biết, 2,4 km đầu tiên của Line ước tính sẽ tiêu tốn hơn 100 tỷ USD. Theo đó, để hoàn thiện, Aramco sẽ phải thực hiện hơn 8 đợt phát hành cổ phiếu tương đương với quy mô trong tháng này. Các nhân viên cũ của dự án tiết lộ, quốc gia này đã dần thu hẹp quy mô giai đoạn đầu của Neom do áp lực về chi phí.

Yasir Al-Rumayyan, chủ tịch PIF, cho biết tại một hội nghị hồi tháng 2 rằng quỹ này sẽ tăng chi tiêu hàng năm cho các dự án trong nước lên khoảng 70 tỷ USD, từ mức 40-50 tỷ USD hiện nay.

Song, các quan chức khác cho biết nước này tạm gác lại các dự án chưa được công bố và trì hoãn các dự án khác đến sau năm 2030. Nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn và để tránh nền kinh tế tăng trưởng quá nóng.

WSJ chỉ ra, hơn 1 nửa ngân sách 333 tỷ USD của Ả Rập Xê Út đến từ dầu mỏ. Các phân tích của S&P 500 gần đây ước tính rằng Ả Rập Xê Út cần giá dầu lên ít nhất 96 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Giá dầu Brent đang dao động quanh mức 82 USD.

Trong khi đó, Ả Rập Xê Út đã phải đi vay nhiều chưa từng có trong những năm gầy đây. Nợ công trong quý I của quốc gia này là 17 tỷ USD, chạm mục tiêu cho cả năm 2024. Sau đó, chính phủ nước này đã quy động thêm 5 tỷ USD thông qua đợt phát hành trái phiếu Hồi giáo (sukuk) hồi tháng 5.

Tuy nhiên, Ả Rập Xê Út cũng áp đặt giới hạn nhằm tránh đi vay quá nhiều. Bộ trưởng Tài chính gần đây cho biết nước này cần duy trì nợ dướ 40% GDP. Khoản nợ hiện tại tương đương 27% GDP, tăng từ mức 1,5% ở thập kỷ trước, dù tăng vọt nhưng vẫn kém xa các nước phương Tây (với hơn 60%).

Tham khảo WSJ

Cùng chuyên mục

Đọc thêm