Sáng 13/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tình hình triển khai tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km trên địa bàn các tỉnh Cần Thơ và Hậu Giang.
Báo cáo Thủ tướng về dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đại diện ban quản lý dự án cho biết theo quy hoạch, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 6 tuyến cao tốc/1.188 km, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc (597 km) và ba tuyến cao tốc trục ngang (591 km). Đến nay, toàn vùng đã đưa vào khai thác 120 km.
Trong đó, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km (bố trí 18 nút giao, trung bình 10km/nút, 133 cầu dài gần 28km); quy mô phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng; tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần và giao UBND các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù, gồm cơ chế chỉ định thầu, cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Công tác thu hồi đất đã cơ bản hoàn thành (đạt 99%), chỉ còn khoảng 1% tập trung tại 86 hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là 15 vị trí đường điện cao thế.
Về nguyên vật liệu, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 29 triệu m3. Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đến nay đã cơ bản giải quyết đủ nguồn cung vật liệu cát về trữ lượng. Tuy nhiên, công suất khai thác còn thấp (chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu) nên cần nâng công suất.
Về công tác thi công, giải ngân, dự án khởi công 4/14 gói thầu xây lắp đầu tiên từ tháng 6/2023. Đến tháng 12/2023, các địa phương đã khởi công toàn bộ 14/14 gói thầu. Lũy kế sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 9,3% giá trị hợp đồng; trong đó, An Giang đạt 20,5%, Hậu Giang đạt 11,9%, Cần Thơ đạt 5,0%, Sóc Trăng đạt 2,3%.
Để đáp ứng yêu cầu hoàn thành dự án năm 2026 theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương rà soát, khẩn trương điều chỉnh tiến độ thực hiện của từng dự án, từng gói thầu nhằm bù đắp phần chậm; trong đó lưu ý xác định cụ thể các mốc thời gian khống chế, đặc biệt là công tác thi công nền đường và các công trình trên tuyến phải hoàn thành toàn bộ trước tháng 4/2026.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tuyến đường Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa rất quan trọng, là cao tốc trục Đông-Tây kết nối với cao tốc Bắc - Nam.
Nhắc lại quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL và nhiệm kỳ sau tiếp tục hoàn thành khoảng 600 km còn lại để ĐBSCL có khoảng 1.200 km cao tốc theo quy hoạch, Thủ tướng cho biết nếu làm được điều này cùng với hệ thống giao thông thủy nội địa, các cảng lớn, như Cái Cui, Ô Môn, Trần Đề, các sân bay, chúng ta sẽ cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho ĐBSCL.
Theo Thủ tướng, hệ thống giao thông cùng với các biện pháp đồng bộ khác sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển ĐBSCL, đẩy nhanh đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng "phố trong làng", tạo việc làm sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người dân không phải ly hương tìm việc làm, sinh kế.
Theo Thủ tướng, hệ thống giao thông cùng với các biện pháp đồng bộ khác sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển ĐBSCL, đẩy nhanh đô thị hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng "phố trong làng", tạo việc làm sinh kế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người dân không phải ly hương tìm việc làm, sinh kế.