Kể từ khi chuyển đến Mỹ “vì tình yêu” ở tuổi 17 với 20 USD trong túi, Donald Tang đã trở thành một người rửa bát, một chủ ngân hàng đầu tư và một ông trùm truyền thông. Câu chuyện làm giàu, vươn lên đầy nghị lực đó đã khiến Tang trở nên vô cùng nổi tiếng ở quê hương Trung Quốc.
Nhưng, gần đây, người ta bắt đầu chú ý tới ông với vai trò mới nhất là Chủ tịch điều hành của Shein, tập đoàn thời trang nhanh được định giá hơn 60 tỷ USD trong vòng cấp vốn gần đây. Chính điều này đã đưa ông bước lên sân khấu toàn cầu khi là nhân tố chủ chốt dẫn dắt Shein mở rộng nhanh chóng ra nước ngoài và chuẩn bị cho một thương vụ IPO bom tấn tại London.
Theo nguồn tin của Financial Times, với việc người đồng sáng lập Shein là Sky Xu né tránh ánh đèn sân khấu – các nhân viên của Shein nói đùa rằng họ sẽ không nhận ra sếp của mình nếu ở cùng thang máy. Chính bởi vậy giờ đây, Tang là “gương mặt đại diện và là nhà lãnh đạo dễ thấy nhất của công ty”.
Là một giám đốc điều hành người Mỹ gốc Á, Tang đã khéo léo điều hướng môi trường kinh doanh và chính sách ở các quốc gia bản xứ và quốc gia tiếp nhận khi sự nghiệp của ông thăng tiến. Nhưng khi mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ, thị trường chính của Shein và Trung Quốc, nơi công ty được thành lập và sản xuất phần lớn quần áo, vai trò của ông ngày càng trở nên thách thức hơn.
Chịu trách nhiệm về các vấn đề công cộng, chiến lược kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tài chính, giờ đây ông phải đối mặt với nhiệm vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại London sau khi từ bỏ kế hoạch niêm yết tại New York trước đó trước sự phản đối chính trị của Mỹ.
Sinh ra ở Thượng Hải với cha mẹ là học giả, Tang gặp người vợ tương lai Jean của mình tại một cuộc thi toán khi ông 14 tuổi. Ông chuyển đến California vào năm 1982 để theo Jean khi gia đình cô di cư.
Ông học ngành kỹ thuật hóa học tại Đại học Bách khoa Tiểu bang California Pomona và làm việc trong ngành khách sạn để kiếm sống.
“Tôi đã không có bất kỳ kỳ nghỉ nào trong suốt 12 năm đầu tiên ở Mỹ,” ông nói với Securities Market Weekly. “Công việc đầu tiên của tôi là ở một nhà hàng và tôi nhớ rằng mức lương tối thiểu lẽ ra là 3,35 USD/giờ nhưng ông chủ chỉ cho tôi 1 USD vì tôi không có thẻ xanh. Khi ấy tôi làm các việc rửa bát, dọn nhà vệ sinh và lau bàn".
Sau cùng ông đã tìm được việc làm tại Merrill Lynch. Sau khi gia nhập Bear Stearns vào năm 1992, ông nhanh chóng leo lên vị trí phó chủ tịch của công ty và sau đó trở thành chủ tịch kiêm giám đốc điều hành các hoạt động của công ty tại Châu Á. Sự nổi lên của ông ở Phố Wall nhận được sự chú ý đáng kể ở quê nhà.
Tuy nhiên, ông đã rời đi vào năm 2008 khi ngân hàng đầu tư này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và bị JPMorgan Chase & Co.
Bước đi tiếp theo của Tang là tái tạo lại bản thân với tư cách là nhà giao dịch kết nối Trung Quốc với Hollywood trong bối cảnh nhu cầu về nội dung giải trí ngày càng tăng ở cả hai nước.
Ông đã tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn Trung Quốc Dalian Wanda mua lại chuỗi rạp chiếu phim AMC của Mỹ vào năm 2012 và vào năm 2015 đã thành lập Tang Media Partners (TMP), một công ty cổ phần truyền thông có trụ sở tại Los Angeles và Thượng Hải với những nhà đầu tư chống lưng bao gồm cả tập đoàn internet Trung Quốc Tencent. Hai năm sau, TMP mua lại nhà phân phối và sản xuất Open Road Films của Mỹ như một phần trong kế hoạch mở rộng đầy tham vọng.
Nhưng bước đột phá của ông vào lĩnh vực giải trí không tồn tại lâu khi một số bộ phận của Open Road nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 ở Mỹ vào năm 2018 để cho phép bán kho lưu trữ tài sản của tập đoàn.
Ông chính thức gia nhập Shein vào tháng 11/2022 với tư cách là phó chủ tịch điều hành, đã cố vấn cho Xu trong hơn một năm.
Theo người từng làm việc với ông, Tang là người “lôi cuốn và thông minh” và “là một thế lực mạnh mẽ trong việc định hình tương lai của Shein”.
Nhưng, mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Hiệu quả của các nỗ lực vận động hành lang của Tang đang bị nghi ngờ sau khi kế hoạch niêm yết ở nước ngoài của Shein gặp phải bức tường hoài nghi ở Mỹ và Anh, chủ yếu xoay quanh chuỗi cung ứng rộng lớn của Shein và các cáo buộc liên quan tới vấn đề sử dụng lao động.
Giống như nhiều đối thủ của mình, Shein là tâm điểm chỉ trích của các nhà vận động cho rằng các nhà bán lẻ thời trang lớn phải chịu trách nhiệm cho hàng đống thời trang rẻ tiền, kém chất lượng bị vứt vào bãi rác.
Tuần này, công ty đã ra mắt “quỹ tuần hoàn” trị giá 200 triệu euro nhằm giải quyết tình trạng lãng phí thời trang và kêu gọi các nhà bán lẻ đối thủ, quỹ tài sản có chủ quyền, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách, tổ chức phi lợi nhuận và học giả tham gia sáng kiến này.
Theo một người trong nội bộ của Shein, một số giám đốc điều hành của công ty đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu Tang có phải là người phù hợp cho công việc này hay không, đặc biệt là sau sai lầm vào tháng 5 tại hội nghị của Viện Milken ở Los Angeles, nơi ông gọi Shein, hiện có trụ sở chính ở Singapore, một “công ty Mỹ”. Những nhận xét này đã nhận được sự đón nhận lạnh lùng ở Trung Quốc, nơi chúng được coi là dấu hiệu cho thấy công ty đang cố gắng “phi Trung Quốc hóa” trước đợt IPO.
Ở Anh, sau cuộc đàm phán giữa Tang và Jeremy Hunt năm nay, Bộ Tài chính có cảm giác rằng cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính lúc bấy giờ đang “được lợi dụng” để gây áp lực lên các cơ quan niêm yết ở New York, theo một người quen thuộc với tình hình.
Mặc dù chính phủ Lao động mới của Vương quốc Anh cho biết họ ủng hộ kế hoạch IPO của Shein, nhưng việc niêm yết này vẫn phụ thuộc vào sự chấp thuận của chính quyền Bắc Kinh vì hầu hết nhân viên và hoạt động sản xuất của công ty đều ở Trung Quốc.
Nếu đợt IPO không thành hiện thực, Tang, bậc thầy về tái tạo, có thể sẽ sớm lên kế hoạch cho dự án kinh doanh tiếp theo của mình.
Theo: Financial Times