Trên tỉnh lộ 784 ở huyện Dương Minh Châu, hành khách đi từ TP HCM về hướng núi Bà Đen sẽ bắt gặp một trạm dừng chân lớn, bán nhiều các loại trà làm từ cây dược liệu. Trên biển hiệu to, thương hiệu in hình người phụ nữ trung niên đang tươi cười. Đó là nhà sáng lập Võ Thị Lấn, bà mẹ nông dân khởi nghiệp ở tuổi hưu.
"Mẹ mất sớm, để lại 6 người em. Nuôi nấng các em từ trẻ cũng quen rồi nên khi lấy chồng sinh và chăm 10 đứa con tôi thấy cũng không cực khổ gì, dù chồng ra đi trước", bà Lấn kể.
Nhưng bà thừa nhận phụ nữ quê lam lũ nên sức khỏe không tốt. Khi vừa hơn 50, nhiều bệnh quen thuộc với người già lần lượt ập đến, từ tiểu đường, huyết áp, máu nhiễm mỡ đến gan. Có dạo, thời gian nằm viện còn nhiều hơn ở nhà.
Dịp bệnh viện cho bệnh nhân về ăn Tết, con cái thuyết phục ở lại vì lo lắng nhưng bà Lấn trốn về. "Ba là thầy thuốc Nam, tôi phụ ông từ nhỏ nên cũng rành. Vì vậy, tôi về quê tìm những cây thuốc hồi xưa ông già trồng để nấu uống", bà kể.
Qua đợt Tết, bà Lấn thấy sức khỏe dần tiến triển. Bà tiếp tục cắt và phơi khô cây dược liệu, dùng vải mùng làm túi lọc để pha nước uống như trà hàng ngày và tặng người quen. Nhận được lời khen, bà nghĩ ra ý tưởng kinh doanh lúc tròn 60 tuổi.
10 người con cản ngăn rồi giúp sức
Họp gia đình nêu ý tưởng, bà Lấn bị các con phản đối, khuyên nên nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu. "Các con nói thị trường cạnh tranh còn hơn đánh giặc. Tôi nghĩ ai làm tốt thì có người mua chứ gì mà đánh nhau", bà kể lại.
Cho rằng không làm được thì mất mặt với con dâu, con rể, bà Lấn tự mang trà làm từ cây dược liệu đi chào hàng. Tuy nhiên, không ai nhận phân phối cho đến khi một chủ tiệm thuốc Bắc tiếp đón. "Ban đầu, ông định lấy 10 hộp bán thử nhưng người vợ đuổi tôi. Rời đi mà mắt chảy ròng, tôi nhớ chuyện con mình cản mà không nghe", bà Lấn kể.
Nhưng bà Lấn vẫn "lỳ đòn". "Tôi ra tiệm nước mía gần tiệm ngồi quan sát, chờ khi người vợ đi chợ thì lại vào chào hàng. Ông chủ thấy thương nên nhận 20 hộp. Tôi không lấy tiền trước, có ế thì mình thiệt chứ không để người ta thiệt được", bà nói.
Ông chủ tiệm giúp bà Lan có lối ra, từ 20 hộp rồi lấy 100 hộp và người vợ không còn xua đuổi. "Đó là thành công đầu tiên của tôi", bà Lấn nhớ lại kỷ niệm.
Nói về câu chuyện của mẹ, ông Nguyễn Thế Tân, một trong các người con từng can ngăn nói mẹ ông là người làm việc không ngừng, từ lo cho em đến con và gánh vác kinh tế gia đình nên ham lao động.
"Mẹ dù 60 tuổi mới khởi nghiệp nhưng lúc đó không khác gì các bạn trẻ, cứ nghĩ đơn giản là làm ra sản phẩm thì bán. Chứ như mình tìm hiểu thị trường cặn kẽ quá lại sợ không dám kinh doanh", ông Tân nói thêm. Ngày nay, ngoài là luật sư, có doanh nghiệp riêng, ông cũng là phó giám đốc công ty của mẹ.
Sau khi thấy mẹ quyết tâm và bắt đầu bán được hàng, 10 người con ủng hộ. Năm 2008, họ cùng nhau mở xưởng và thành lập doanh nghiệp 2 năm sau đó. Nhưng là công ty gia đình, bà Lấn và các con khi ấy chưa có nhiều kinh nghiệm kinh doanh nên thử thách mới ập đến.
Vào 2011, họ gặp cuộc khủng hoảng truyền thông đến suýt phá sản khi thị trường dồn dập xuất tiện thông tin Trà Tâm Lan bán hàng giả, kém chất lượng. "Cuối năm đó, có ngày chúng tôi tiếp hơn 20 chục phóng viên. Sau khi được tư vấn, chúng tôi mở họp báo công bố thông tin rõ ràng", ông Tân kể.
Cũng từ bài học này, bà Lấn và đàn con quyết định phải theo đuổi đầu tư vào các quy chuẩn chất lượng để củng cố niềm tin và uy tín.
Làm theo chuẩn và hướng đến sinh thái
Năm 2012, công ty nộp hồ sơ xin tham gia cuộc bình chọn "Hàng Việt Nam chất lượng cao" khi chỉ mới 2 tuổi. Hội hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết chưa có tiền lệ doanh nghiệp trẻ và bé như Trà Tâm Lan nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn cử đội ngũ chương trình đến khảo sát nhà máy, hoạt động sản xuất để thẩm định vào danh sách bình chọn. Tám tháng sau , họ được người tiêu dùng nhìn nhận qua danh hiệu chương trình và duy trì các năm sau đó.
Đến nay, công ty bà Lấn bán 5 loại trà, gồm trà túi lọc Tâm Lan và các loại chuyên biệt từ cây xạ đen, thìa canh, đinh lắng và vối. Danh mục sản phẩm đơn giản nhưng là thành quả suốt thập niên định hướng sản xuất sinh thái khép kín.
Ở đầu vào, bà có vùng trồng 20 ha các loại cây dược liệu chỉ bón bằng phân trùn quế. Để có nguồn phân này, bà đang nuôi khoảng 500 con bò để lấy phân cho trùn quế ăn. Cứ 45 ngày thì thu hoạch phân trùn quế một lần.
"Trước đây tôi cũng mua phân trùn quế bên ngoài nhưng chất lượng không ổn định. Đôi khi người bán cho phân ngậm nước nhiều để tăng trọng lượng nên tôi chuyển qua tự sản xuất", bà nói. Khi cây bệnh, bà có bài thuốc riêng bằng thảo dược để trị.
Ở khâu sản xuất, tại mảnh đất rộng 2 ha hiện là khu tổ hợp trạm dừng chân, vườn ươm cây, bà Lấn chi khoảng 100 tỷ đồng xây nhà máy chuẩn GMP và ISO 22000:2018 để làm trà thành phẩm. Hầu hết các khâu đều tự động hóa và chỉ cần công nhân nhiều - khoảng 10 người - ở giai đoạn đóng gói.
Con gái bà Lấn, Phó giám đốc Bùi Thị Phương Thùy, là người trực tiếp thiết kế và chủ trì đầu tư nhà máy. Chị cho biết khả năng tự động hóa giúp giảm một phần ba nhân công so với trước. Chỉ riêng hệ thống hút lọc bụi trà trong nhà máy tốn 4 tỷ đồng, với mục tiêu rõ ràng.
"Trước đây quá trình sản xuất sẽ tạo ra rất nhiều bụi từ việc cắt, nghiền nguyên liệu. Sau khi đầu tư hệ thống này, chúng tôi hút bụi trà gom về trộn với thức ăn để nâng sức đề kháng cho bò", chị Thùy mô tả.
Ông Bùi Phước Hòa, Đại diện Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập, nhận xét doanh nghiệp này ban đầu dựa vào am hiểu về cây dược liệu của nhà sáng lập nhưng để phát triển đến hôm nay là nhờ dần khép kín cả quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn rõ ràng.
"Họ kiểm soát từ khâu trồng nguyên liệu đến chấp nhận đầu tư cho nhà máy chuẩn GMP vốn dành cho sản xuất dược thì đó chính là cách để người mua an tâm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Hòa nói. Đến nay, Trà Tâm Lan đã được Tây Ninh chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bán qua một số nước như Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ.
Áp lực còn phía trước
Khi quy trình sản xuất dần đi vào ổn định, sức mua của thị trường đang là thử thách mới. Khi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, sản phẩm của bà Lấn không phải hàng thiết yếu và dễ bị loại bỏ khỏi giỏ hàng thường ngày. "Bán lúc này không có lời đâu. Từ khi dịch đến giờ, sức mua đã giảm rất nhiều", bà thẳng thắn.
Nhà máy 100 tỷ đồng hoàn thành xong thì dịch ập đến nên chưa bao giờ hoạt động hết công suất. Chỉ cần một ngày vận hành thì có thể đủ bán vài tuần. Vùng nguyên liệu trước kia đến 50 ha nhưng nay giảm một nửa. Tổng nhân sự tất cả khâu còn 200 so với 300 trước Covid-19.
Nói về bước đi tiếp theo, bà Lấn kiên nhẫn chờ sức mua phục hồi và thận trọng việc gọi vốn hay ra sản phẩm mới. "Tôi là nông dân nên rất sợ kêu gọi góp vốn. Làm được thì tốt, còn không lại mất vui", bà nói.
Bà Lấn cũng chẳng vội ra sản phẩm mới vì cho rằng 5 loại trà của mình cơ bản đáp ứng các nhu cầu bổ trợ cho các vấn đề sức khỏe phổ biến. Ngoài ra, để ra sản phẩm cần mất nhiều thời gian.
Ví dụ, trà vối mới ra mắt một năm nhưng bà phải trồng nguyên liệu, sản xuất và tự mình uống thử để hiệu chỉnh công thức suốt 5 năm qua. Nhờ vậy, vị trà vối và một ly nước lá vối mà bất kỳ ai tự pha sẽ khác nhau. Bởi lẽ, lá vối trực tiếp pha sẽ khó uống, nhưng qua khâu chế biến và công thức kết hợp với thảo dược khác thì trẻ con cũng dễ uống hơn, theo bà Lấn.
"Khởi nghiệp năm 60 tuổi, gọi là thành công thì nói thật chưa như ý muốn nhưng nhìn chung cũng tương đối. Rất tiếc là khi xây nhà máy mới, muốn vươn ra thế giới nhiều hơn thì dịch bùng lên", nhà sáng lập nói. Bà Lấn kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác để đi làm thị trường, gia tăng xuất khẩu.