Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra vào ngày 3/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã giải đáp một số thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu và công tác điều hành giá xăng dầu. Bộ Công Thương đã họp và thống nhất trong trường hợp là nếu giá xăng tăng mạnh sẽ 2 ngày 1 lần báo cáo Chính phủ để xin ý kiến.
Trước câu hỏi của báo chí về việc liệu có cần điều chỉnh giá xăng dầu 2 ngày 1 lần, trong bối cảnh bất ổn nguồn cung hay không, Thứ trưởng Đỗ Hải Thắng cho biết tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine đã ảnh hưởng đến toàn cầu và nước ta, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép và nhiều mặt hàng khác…
Theo Nghị định 83/NĐ-CP thì 15 ngày điều chỉnh giá xăng, dầu một lần, nhưng theo Nghị định 95/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 thì 10 ngày điều chỉnh một lần (vào ngày 1, 11, 21). Tuy nhiên, trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải (Ảnh: Báo Chính phủ)
"Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã thống nhất 2 ngày/lần, tổ công tác điều hành giá sẽ ngồi bàn họp với nhau trao đổi về việc có cần thiết phải báo cáo Chính phủ xem xét quyết định thay đổi giá sớm hơn so với quy định hay không", Thứ trưởng Đỗ Hải Thắng nói, đồng thời khẳng định theo đúng quy định liên Bộ sẽ điều hành 10 ngày/lần.
Liên quan đến giá xăng dầu, báo chí cũng đặt thêm câu hỏi: Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu với mức giảm 1.000 đồng. Doanh nghiệp và người dân thì mong muốn mức giảm sâu hơn. Bộ Tài chính có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết đến ngày 3/3, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Xăng, dầu Việt Nam lấy ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Bộ Tài chính tính toán Nghị quyết này sẽ tác động tới giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn. Đối với xăng, với việc giảm thuế 1.000 đồng thì giá bán lẻ sẽ giảm tương ứng là 1.110 đồng; đối với dầu diezen, mazut, dầu nhờn với mức giảm 500 đồng/lít thì giá bán lẻ tương ứng sẽ giảm 550 đồng/lít; đối với dầu hỏa, việc giảm 500 đồng/lít thì giá bán lẻ sẽ giảm 550/lít; đối với mỡ nhờn việc giảm 500 đồng/1kg mức giá bán lẻ sẽ giảm tương ứng 550 đồng/1kg.
Nếu tính riêng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn giảm từ ngày 1/4/2022 thì mức giảm thu ngân sách sẽ vào khoảng 11.992 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi (Ảnh: Báo Chính phủ)
Trong khi đó, biện pháp giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân của cả năm 2022, dự kiến là 0,67%. Tuy nhiên, ở đây việc giảm thuế là số tuyệt đối còn CPI là tương đối và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Còn về tác động đến người dân và doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, chính sách góp phần bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước khi mà giá dầu thô tăng cao, đồng thời góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.
Đây chỉ mới là dự thảo đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Bộ Tài chính mong các cơ quan báo chí truyền thông rộng rãi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng để Bộ tiếp tục tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó có quyết định cuối cùng, làm sao để chính xác và hiệu quả nhất.