Không tính các ngân hàng quốc doanh, trong hệ thống các ngân hàng thương mại hiện nay, 4 cái tên Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank, Ngân hàng TMCP Quân Đội - MBBank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank và Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB được đánh giá là nhóm ngân hàng có chế độ lương thưởng và phúc lợi cho nhân viên tốt trên thị trường.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta thử đặt thu nhập nhân viên Techcombank lên bàn cân so sánh với các đồng nghiệp tại MBBank, VPBank và ACB để xem có gì thú vị?
Đầu tiên, về số lượng nhân viên trung bình trong năm 2021, ACB là nhà băng "đông quân" nhất với 11.692 người, sau đó đến Techcombank 11.442 người, VPBank 9.742 người và MBBank là 9.471 người.
Theo số liệu thu nhập bình quân/nhân viên mà các nhà băng công bố, thu nhập bình quân/nhân viên ở Techombank là cao nhất, đạt mức 43 triệu đồng/tháng. Sau đó đến MBBank 35,9 triệu đồng, ACB 31,3 triệu đồng và VPBank 25,3 triệu đồng/tháng.
Những con số này đang cho thấy, trong năm 2021 trung bình 1 nhân sự Techcombank có thu nhập cao nhất (trong số 4 ngân hàng đang so sánh). Đọc đến đây hãy khoan kết luận, vẫn còn có câu chuyện để nói phía sau những con số thống kê tuyệt đối này.
Hình ảnh minh họa
Năng suất lao động bình quân của nhân viên ở 4 nhà băng có thể được tính toán đơn giản bằng cách lấy lợi nhuận trước thuế 2021 chia cho số lượng nhân viên trung bình trong năm. Để đảm bảo các yếu tố bất thường (như thu nhập từ bán cổ phần,...) không tạo ra những sai số lớn, trong lúc tính toán sẽ loại bỏ toàn bộ các thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần của cả 4 nhà băng.
Theo đó, thu nhập bình quân 1 nhân viên mang lại trong năm 2021 ở Techcombank, MBBank, VPBank và ACB lần lượt là 1,68 tỷ đồng; 1,49 tỷ đồng; 1,43 tỷ đồng và 0.97 tỷ đồng/người/năm.
Điều này có nghĩa là trong 4 ngân hàng, nhân viên Techcombank đang mang lại nhiều "tiền" nhất cho tổ chức. Con số này giảm dần ở nhân viên MBBank, VPBank và ACB.
Ở đây xuất hiện 1 sự chưa tương xứng về thứ tự, khi nhân viên ACB đang mang lại ít lợi nhuận cho nhà băng hơn nhân viên VPBank nhưng đang được trả lương cao hơn.
Nếu lật ngược vấn đề, lấy lợi nhuận 1 nhân viên tạo ra cho ngân hàng trừ đi thu nhập nhân viên đó nhận lại từ ngân hàng, bạn sẽ thấy mức chênh lệch này không hề nhỏ. Ví dụ ở Techcombank, trung bình 1 nhân viên mang lại khoảng 140 triệu đồng lợi nhuận /tháng nhưng chỉ nhận được 43 triệu đồng/tháng, mức chênh lệch lên tới 97 triệu đồng, cao nhất trong số 4 ngân hàng được so sánh.
Như vậy, mặc dù về số tuyệt đối nhân viên Techcombank được trả lương cao nhất nhưng chúng ta lại quên mất rằng, họ cũng đang là những người làm việc hiệu quả nhất.
Nếu đặt lượng tiền kiếm được cho ngân hàng với thu nhập nhận lại từ ngân hàng vào 1 phép chia, có thể nói rằng, nhân viên Techcombank muốn nhận được 1 đồng thu nhập thì phải làm ra 3,3 đồng lợi nhuận. Con số này ở VPBank là 4,7 đồng; MBBank là 3,5 đồng còn ACB là 2,6 đồng.
Như vậy, trả lương "cao" hay "thấp" phải nhìn vào tương quan so sánh với hiệu quả công việc mới đủ khách quan.
Tất nhiên, lợi nhuận của 1 ngân hàng ngoài yếu tố nhân sự còn phụ thuộc vào rất nhiều lợi thế khác không thể lượng hóa như tập khách hàng, chính sách, sản phẩm, lợi thế cạnh tranh...và con số bình quân đang "cào bằng" giữa người thu nhập cao và thấp trong 1 tổ chức.
Trên thực tế, chính sách lương thưởng của mỗi ngân hàng hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở đánh giá hiệu quả đem lại của từng nhân viên thông qua các bộ chỉ số KPI.
Với banker, đằng sau những con số màu hồng về lương thưởng khiến xã hội trầm trồ là áp lực về doanh số, chỉ tiêu, là những giờ làm việc tăng ca khi gia đình khác đã sum họp bên mâm cơm, là những "cấu véo" thời gian vào ngày nghỉ để giải quyết sự vụ "gấp"...