Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, gồm 3 đoạn với chiều dài 68,79 km đi qua 5 huyện, thị xã của Hà Tĩnh: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.
Tuyến đường được đánh giá là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất tại các tỉnh miền Trung, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT
Từ khi tuyến đường đưa vào sử dụng được đánh giá là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất tại các tỉnh miền Trung. Ngoài ra khi đưa vào khai thác, tuyến đường giảm tải khá lớn cho hoạt động vận tải trên tuyến Quốc lộ 1A; việc đi lại, giao thương của người dân giữa các xã vùng biển thuận lợi hơn trước...
Những khối đất, đá mồ côi trực chờ lăn xuống đường
Tuy nhiên, từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, đoạn đường này vẫn tồn tại nhiều điểm bất cập về ATGT. Cụ thể, trong đợt mưa lớn kéo dài vào cuối tháng 10/2021, phần mái taluy dương tại Km 79+880 tới Km 80+129, đoạn giáp ranh giữa xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) và xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) bị sạt lở khiến hơn 2.000 m3 đất, đá tràn xuống chắn ngang đường khiến giao thông qua khu vực này bị ách tắc, phương tiện không thể lưu thông.
Sau đó, để thông tuyến đảm bảo ATGT, lực lượng chức năng đã huy động lực lượng, máy móc thu dọn phần khối lượng lớn đất đá sạt trượt xuống đường; làm lại mái taluy, đặt biển cảnh báo các điểm có nguy cơ cao sạt trượt.
Những mái taluy dựng đứng cao chót vót kèm theo những hòn đá mồ côi lơ lửng trên không trung, trực chờ rơi xuống
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông vào những ngày đầu tháng 6, trên tuyến đường ven biển - một số điểm có nguy cơ sạt, trượt cao. Điển hình như đoạn thuộc Km 79+880 do quá trình thi công phải bạt một quả đồi rất rộng và cao, nên khi hình thành đường thì hệ thống mái taluy cũng rất cao.
Ngoài ra, tại đoạn tuyến này cũng ghi nhận hàng trăm tảng đá, viên đá “mồ côi” nằm lơ lửng trên vách núi; những tảng đá khổng lồ đã bị sạt mất phần kê bên dưới, nếu có mưa to hoặc có phương tiện tải trọng lớn đi qua gây rung chuyển mạnh thì có thể đổ xuống phía dưới, tiềm ẩn hậu quả khó lường đối với người tham gia giao thông.
Cánh tài xế đều lo lắng khi đi qua, nhất là vào thời điểm mưa bão
Tài xế Nguyễn Công Danh, thường xuyên lưu thông trên tuyến cho biết, khi lưu thông trên tuyến nhìn thấy những hòn đá, tảng đá treo lơ lửng thì cánh tài xế thường “thót tim” khi đi qua.
Trên tuyến cũng có nhiều đoạn taluy cao tới vài chục mét, nhưng lại không được phân tầng, cắt lớp. Quan sát của PV Báo Giao thông, tại điểm này, nhiều tảng đá, ụ đất cũng sắp sửa đổ ụp xuống phía dưới nếu có mưa lớn.
Nhiều đoạn được xây tường bê tông chắn đất, đá nhưng hầu như bị đất, đá bồi lấp tạo thành cái máng để sạt trượt xuống đường
Cũng trên tuyến đường, PV ghi nhận có nhiều điểm được chủ đầu tư xây dựng tường bê tông để chắn đất, đá rơi xuống. Tuy nhiên, có thể do nền địa chất kém nên lượng lớn đất, cát theo các dòng chảy lại lấp bằng bờ kè, việc đó vô tình tạo thành chiếc máng rót để đất đá từ trên cao lao thẳng xuống đường.
Theo ông Nguyễn Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, tuyến đường ven biển đoạn qua địa bàn xã có nhiều mái dốc taluy cao hàng chục mét nhưng do nền địa chất yếu nên mỗi khi mưa lớn thì khối lượng lớn đất, đá thường chảy tràn xuống đường; ngoài ra có những viên đá “mồ côi” treo lơ lửng trên triền dốc chỉ chực chờ rơi xuống gây cảm giác bất an cho người tham gia giao thông.
Rác thải vật liệu xây dựng được đổ ngổn ngang bên hành lang đường
Liên lạc qua điện thoại, ông Trần Văn Tùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Có nhiều điểm trên tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, đá rơi từ trên núi xuống đường.
Cũng theo ông Tùng, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình xử lý sạt lở mái taluy tuyến đường ven biển với kinh phí hơn 2 tỷ đồng và giao cho Sở GTVT làm chủ đầu tư.
Hiện tại Sở GTVT Hà Tĩnh đang tiến hành các thủ tục để đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Dự kiến sang tháng 7 sẽ triển khai thi công. Thời gian thi công là 3 tháng.