Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố danh sách bổ sung các chuỗi slot (giờ cất, hạ cánh) đủ điều kiện thu hồi theo quy định.
Theo danh sách bổ sung các chuỗi slot thu hồi mùa hè 2022, tại sân bay Nội Bài có 5 slot bị thu hồi, thuộc về 3 số hiệu chuyến bay đều của Vietnam Airlines.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất có 69 slot bị thu hồi, thuộc về 25 chuyến bay của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco.
Trước đó, hôm 3-8, thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy tính đến ngày 30-6, nhà chức trách hàng không đã thu hồi chuỗi slot hè 2022 là 15, đều của Vietnam Airlines.
Việc điều phối slot, duy trì slot lịch sử của hàng không Việt Nam đảm bảo tuân thủ thông lệ quốc tế, tiêu chuẩn của Hiệp hội Hàng không quốc tế IATA. Các hãng hàng không tuân thủ trên 80% slot sẽ được ưu tiên giữ cho mùa năm sau. 4 tuần liên tiếp không sử dụng 1 slot thì Hội đồng điều phối slot tại cảng hàng không Việt Nam sẽ thu lại.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện một loạt biện pháp để kéo giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay, trong đó đặc biệt yêu cầu các hãng hàng không phải tuân thủ slot được xác nhận.
Chủ trì cuộc họp bàn giải pháp kéo giảm chuyến bay chậm, huỷ ngày 13-7, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng khẳng định nếu áp dụng triệt để các giải pháp mà chất lượng dịch vụ vẫn giảm, chuyến bay chậm, huỷ vẫn nhiều thì cũng phải cắt giảm số chuyến bay.
Việc thu hồi slot bay được xem là chế tài nặng với hãng hàng không. Phát biểu tại cuộc họp ngày 13-7, lãnh đạo một hãng hàng không khẳng định các hãng không muốn thay đổi lịch bay, không bao giờ muốn giảm slot. Hơn nữa, slot là tài sản, phải kiên quyết sử dụng ở mức độ cao nhất. Càng bay nhiều, càng sử dụng slot nhiều càng nhiều khách, càng có nhiều chuyến bay thì hàng không mới càng phát triển. Lãnh đạo hãng hàng không cam kết hãng sẽ phối hợp tối đa với nhà chức trách để nâng chất lượng dịch vụ, giảm chuyến bay chậm, huỷ.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, số chuyến bay bị chậm chuyến trong tháng 7 là 6.053 chuyến, chiếm 18,2 % trong tổng số chuyến bay (33.238 chuyến). Vietnam Airlines có tỉ lệ số chuyến bay cất cánh chậm giờ cao nhất với 2.748 chuyến, chiếm 23,7% tổng số chuyến bay của hãng này trong tháng 7; Vietjet có 2.528 chuyến chậm giờ, chiếm 19%; Vasco có 117 chuyến chậm, chiếm 15,2%; Pacific Airlines có 206 chuyến chậm, chiếm 9,9%; Bamboo Airways có 408 chuyến chậm, chiếm 8,3%; Vietravel có 46 chuyến chậm, chiếm 8,1%.
Sang đầu tháng 8, tình trạng chuyến bay chậm giờ đã có xu hướng giảm. Tuần đầu tháng 8, có 13,6% số chuyến bay bị chậm giờ.