Tài chính

Thông tin mới về việc bán vàng 2 giá

Ngân hàng tư nhân điều chỉnh đồng giá với Big4

Mở cửa ngày 15/6, giá vàng miếng SJC không có nhiều biến động so với phiên hôm qua. Giá vàng SJC hôm nay không thay đổi vẫn ở mức 75,5 - 76,98 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra tại các doanh nghiệp vàng lớn như Công ty SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu.

Nhóm ngân hàng quốc doanh giữ nguyên giá bán 76,98 triệu đồng/lượng 1 tuần nay.

Các ngân hàng tư nhân như: Eximbank, ACB, HDbank, Sacombank… cũng đã điều chỉnh giảm giá bán vàng SJC về mức tương tự sau khi niêm yết giá bán cao hơn giá bình ổn 4-5 triệu đồng/lượng.

Thông tin mới về việc bán vàng 2 giá- Ảnh 1.

Giá vàng miếng SJC của Ngân hàng HDbank ngày 15/6 giảm về đúng giá các ngân hàng quốc doanh bán (ảnh: Ngọc Mai).

Trước đó, ngày 14/6, Ngân hàng HDbank 78,5 - 82 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Ngày 13/6, Ngân hàng ACB giao dịch vàng miếng ở mức cao hơn, quanh 76,5 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra 79,5 triệu đồng/lượng. Sacombank niêm yết giá mua vào vàng miếng 76 triệu đồng/lượng, bán ra 79,98 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi - cho biết, nếu ngân hàng tư nhân được mua vàng miếng SJC từ Ngân hàng Nhà nước trong đợt này phải bán đúng giá niêm yết, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát, hoặc thanh tra. Nếu không phải từ nguồn Ngân hàng Nhà nước bán, việc họ bán sẽ tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên ngân hàng bán với giá 82 triệu đồng/lượng sẽ dẫn đến tình trạng người dân mua gom rồi bán lại ăn chênh lệch.

“Với tình trạng người dân vẫn đang đi xếp hàng mua vàng như hiện nay, tình trạng 2 giá sẽ còn tiếp tục tồn tại. Biện pháp đang áp dụng hiện nay nhằm tăng cung cho thị trường nhưng nếu kéo dài sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy”, ông Huy nói.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin cho biết tại nhiều điểm bán vàng có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế. Hiện nay còn đang lan truyền thông tin thất thiệt về việc Ngân hàng Nhà nước thiếu vàng để bán. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường.

Từ 15/6, mua bán vàng không hóa đơn điện tử sẽ bị rút giấy phép

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ hôm nay (15/6), đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép.

Trao đổi với PV Tiền Phong lãnh đạo một ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng cho biết, từ lâu ngân hàng triển khai bán vàng và có hoá đơn điện tử từ lâu và không gặp khó khăn gì. Chỉ có những đơn vị kinh doanh vàng nhỏ lẻ mới lúng túng vì chưa thực hiện việc này bao giờ.

Lãnh đạo Công ty Vàng Phú Quý cũng khẳng định không có bất kỳ vướng mắc hay bất tiện gì trong việc xuất hóa đơn điện tử.

Hiện cả nước có trên 12.500 doanh nghiệp có hoạt động mua bán chế tác vàng bạc và trên 5.000 hộ, cá nhân gia công vàng. 100% các doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử.

Theo các chuyên gia, thời gian vừa qua, việc quyết liệt triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu đã kiểm soát được doanh thu của từng cây xăng, Nhà nước thu được thuế và hạn chế được buôn lậu xăng dầu. Vì vậy, không chỉ kinh doanh vàng bạc mà sắp tới cần đẩy mạnh kiểm soát việc xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với nhiều ngành nghề khác để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có công văn gửi các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán rà soát các giao dịch đáng ngờ, gửi báo cáo đánh giá rủi ro rửa tiền về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 15/7.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm