Mỏ kim loại đất hiếm nói trên là một trong số ít trữ lượng đất hiếm không thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của Trung Quốc. Việc phát hiện trữ lượng đất hiếm lớn nhất lục địa châu Âu này được coi là đòn bẩy quan trọng trong nỗ lực của châu Âu nhằm phá vỡ thế thống trị về đất hiếm của Trung Quốc.
Nhu cầu về đất hiếm và khoáng sản quan trọng dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tăng tốc.
Tổ chức Đất hiếm Na Uy cho biết trong một tuyên bố vào ngày 6/6 rằng Khu phức hợp Fen Carbonatite ở vùng Đông Nam nước này có tổng trữ lượng 8,8 triệu tấn oxit đất hiếm, đem lại triển vọng khai thác kinh tế hợp lý.
(Ảnh: Techspot)
Oxit đất hiếm được coi là quan trọng đối với sự chuyển đổi toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch. Công ty Rare Earths Na Uy cho biết ước tính có khoảng 1,5 triệu tấn đất hiếm liên quan đến nam châm có thể được sử dụng trong sản xuất xe điện và turbine gió.
Trước đó, một mỏ đất hiếm khổng lồ đã được tìm thấy vào năm 2023 ở nước láng giềng Thụy Điển.
Alf Reistad - Giám đốc điều hành của công ty Rare Earths Na Uy - nói với CNBC rằng phát hiện mỏ đất hiếm tại Fen là một "cột mốc quan trọng" đối với công ty này.
(Ảnh: Techspot)
Một trong những mục tiêu của Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng là đáp ứng ít nhất 10% nhu cầu đất hiếm hàng năm của Liên minh châu Âu vào năm 2030. Tổ chức Đất hiếm Na Uy cho biết họ hy vọng sẽ đóng góp vào mục tiêu đó.
Tổ chức Đất hiếm Na Uy cho biết mỏ đất hiếm ở Telemark - cách thủ đô Oslo khoảng 210 km về phía Tây Nam - có thể khẳng định vị thế của Na Uy như một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị đất hiếm và nguyên liệu thô quan trọng của châu Âu.
Hầu hết các thành phần đất hiếm đều nằm ở Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ước tính chiếm 70% sản lượng khai thác quặng đất hiếm toàn cầu và 90% sản lượng chế biến quặng đất hiếm.