Chiều 28/10, giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022 biến động lớn và khó khăn hơn nhiều so với đánh giá vào cuối năm 2021. Cùng với yếu tố tác động từ lạm phát tăng cao trên toàn cầu, diễn biến bất ổn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp trong nước cũng tác động mạnh tới thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, những khó khăn, thách thức trong thời gian tới là rất lớn với nhiều yếu tố bất định hơn, phức tạp hơn, tác động nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan lơ là, đặc biệt là những yếu tố tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn…
Về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng đề nghị nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, cần sửa ngay trong Luật Đất đai theo hướng cho thực hiện một số hành động trước như kiểm đếm, đo đạc, khảo sát khi đã có quy hoạch và có chủ trương đầu tư, như vậy sẽ giảm được 6 - 8 tháng về tiến độ triển khai.
Theo bà Hồng, trọng tâm thời gian này là đảm bảo hoạt động hệ thống ngân hàng, sẵn sàng cung ứng thanh khoản, đáp ứng chi trả của các tổ chức tín dụng. Với thị trường ngoại hối, lúc này phải tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá.
Thống đốc cũng nhấn mạnh, Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn nên những tác động kinh tế thế giới sẽ tất yếu ảnh hưởng tới thị trường ngoại hối, tiền tệ trong nước, nên phải sẵn sàng chuẩn bị tâm thế ứng phó những biến động này, xác định mục tiêu trọng tâm ở từng giai đoạn, thời điểm để có quyết sách.
Trong đó, về ngắn hạn phải đánh đổi mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối thì tỷ giá chấp nhận tăng cao. “Với doanh nghiệp lãi suất cao có thể ảnh hưởng tới sản xuất nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại một chút, thị trường ngoại hối, ngân hàng ổn định thì sau có điều kiện tăng tốc, phát triển”, bà Hồng cho hay.
Hay với tín dụng, thống đốc lưu ý, nếu nới room tín dụng sẽ gây áp lực lên tỷ giá, ngoại hối. Nhưng cũng rất may, trước đây Ngân hàng nhà nước chưa điều chỉnh tăng room tín dụng, nếu tăng thì sự kiện tháng 10 vừa rồi, thanh khoản “rất rất khó khăn”, ảnh hưởng tới khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng.
Liên quan đến kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho xăng dầu, bà Hồng cho biết, đối với hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu. Tại chỉ thị đầu năm, thống đốc đều yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh. Tháng 3/2020 trước sự biến động phức tạp của xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cũng có công văn gửi các tổ chức tín dụng.
“Vừa qua, Bộ Công Thương có văn bản, chúng tôi tổng hợp nhanh số liệu các ngân hàng thì tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu là 103.000 tỷ đồng và mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỷ, hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỷ đồng, chứ chưa phải đã hết”, bà Hồng cho hay.
Với việc cung ứng ngoại tệ thì vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ. Riêng 9 tháng đầu năm đối với một số doanh nghiệp xăng dầu như Nghi Sơn, Bình Sơn, lượng ngoại tệ bán ra khoảng 10 tỷ đô la Mỹ cho các doanh nghiệp này.
Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, năm 2022, nước ta có một năm điều hành quản lý kinh tế - xã hội thành công. Chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế, dù thực hiện chính sách giảm thuế nhiều nhưng thu nội địa tăng trưởng 9,8%, giảm chi thường xuyên 10%.
Về dự toán ngân sách, bộ trưởng nói, 2023 sẽ là năm tiềm ẩn nhiều khó khăn như giá nguyên vật liệu trong nước tăng, dầu xăng khó khăn, lãi suất tiền gửi và tiền vay trong nước đều tăng cao, room tín dụng thắt chặt và thị trường vốn khó khăn. Đặc biệt là lạm phát và lãi suất thế giới tăng cao tác động mạnh đến điều hành kinh tế - xã hội nước ta, tác động đến sản xuất kinh doanh.
Vì thế, dự toán ngân sách đặt ra ở mức tăng thấp. Ngoài ra, trước ý kiến cho rằng, mức bội chi thấp, bộ trưởng khẳng định, bối cảnh hiện nay, mức bội chi đề ra là hợp lý. Nếu nâng bội chi lên cao có nghĩa là phải đi vay mà đi vay trong giai đoạn này thì hiệu quả sẽ không cao.
Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới sẽ đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, sửa Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và cũng là tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất kinh doanh.