Doanh nghiệp

Thoát những “cơn sóng gập ghềnh” doanh nghiệp công nghiệp trở lại “đường băng” tăng trưởng

Những gam màu sáng

Mặc dù có nhiều dự báo không mấy lạc quan từ đầu năm, song những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nửa đầu năm nay có sự phục hồi khá tốt. Nhiều doanh nghiệp đã có sự trở lại ngoạn mục.

photo-1721091299520


Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, sức cầu của thị trường kém, tiêu dùng tư nhân chưa phát huy được nhiều vai trò thúc đẩy sức cầu cho sản xuất, thì cùng với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo động lực mới cho sản xuất công nghiệp.

"Chính phủ cũng đã phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian vừa qua thì các doanh nghiệp công nghiệp mới có thể duy trì được hoạt động sản xuất bình thường trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn đang gặp nhiều thách thức"- ông Phạm Tuấn Anh nêu.

Đơn cử như đối với tập đoàn đa ngành như DNP Holding, việc vận hành hệ thống trong điều kiện kinh tế còn nhiều bất ổn trong nửa năm qua là thách thức rất lớn. Nhưng đến hết tháng 5 năm nay, doanh thu của doanh nghiệp đã vượt 50% kế hoạch, lợi nhuận cũng tăng hơn 50%.

Ông Trần Hữu Chuyền, Phó Tổng giám đốc DNP Holding cho rằng, kết quả này ngoài dự báo đánh giá từ đầu năm nhờ những đơn hàng được phục hồi đáng kể trong bối cảnh tín dụng rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn. "Mặc dù trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn nhưng chúng tôi đánh giá cao những hỗ trợ kịp thời của Chính phủ. Chúng tôi đã tận dụng các cú huých về chính sách để tái cơ cấu và phục hồi hiệu quả"- lãnh đạo DNP Holding bày tỏ.

Hay như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), doanh thu cộng hợp toàn tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 29.595 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận cộng hợp toàn tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 815 tỷ đồng. Trong đó các đơn vị có lãi tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: Công ty CP DAP-Vinachem bằng 46 lần, Công ty CP Phân bón Bình Điền bằng 5 lần, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ bằng 4 lần, Công ty CP công nghiệp Cao su miền Nam bằng 2 lần...

Điển hình như, Công ty CP DAP – Vinachem, ông Vũ Văn Bằng - Tổng giám đốc công ty cho hay, bước sang quý III/2024, Công ty sẽ phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh như: Sản lượng DAP sản xuất: 60.000 tấn; sản lượng DAP tiêu thụ: 60.000 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế: 763 tỷ đồng; tổng doanh thu thuần: 762 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt khoảng 25 tỷ đồng.

Tập trung 4 giải pháp

Nhìn một cách tổng quan, để mở đường bước vào "đường băng" tăng trưởng trong năm 2024 thì lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để là "một phần công xưởng của thế giới". Nhất là cần đa dạng hóa thị trường công nghiệp, đi sâu vào tính bền vững trong tương lai, cũng như cần nhanh chóng đầu tư vào cả việc xây dựng năng lực con người và tự động hóa.

Theo TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), về lâu dài hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp công nghiệp cần tập trung đẩy mạnh sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn. Hơn nữa, các DN cần thực thi chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro…

Để kích cầu tiêu dùng, theo ông Trần Quốc Hùng, nguyên giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế (IIF), cần có biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó kích cầu và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cần cắt giảm các thuế trực thu và gián thu cũng như phí công cộng để tăng sức mua của hộ gia đình, tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Đi vào giải pháp cụ thể, về phía Bộ công Thương, ông Phạm Tuấn Anh đưa ra 4 giải pháp cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp – đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Thứ hai, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ; Khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được; Đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da-giày, điện tử...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm