Edison có một câu nói rất nổi tiếng: "Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là khổ luyện" nhằm khẳng định tầm quan trọng của sự chăm chỉ trong hành trình chinh phục thành công. Không thể phủ nhận tính đúng đắn của câu nói này nhưng vẫn có những "ngoại lệ" xảy ra, chẳng hạn như trong trường hợp của William James Sidis.
William James Sidis từng được coi là một truyền kỳ khi mới 6 tháng tuổi đã có thể nói rõ ràng tên của một nguyên tố phức tạp như "nhôm" (aluminium), 8 tháng tuổi chỉ ra được Mặt trăng là vệ tinh của Trái đất, 18 tháng tuổi biết đọc The New York Times... Tất cả những điều này nghe vô cùng khó tin với nhiều người nhưng thế giới vốn đầy rẫy những điều kỳ diệu và kỳ tích tương tự đã xuất hiện với William James Sidis.
William James Sidis (1898-1944) được coi là một thần đồng, một thiên tài tuyệt đối
Cha của William tên là Boris Sidis (SN 1867), vốn là một người Ukraine gốc Do Thái, di cư sang Mỹ từ năm 1887 khi mới 20 tuổi để thoát khỏi đàn áp chính trị. Boris sau đó trở thành Giáo sư tâm lý học, Tiến sĩ Y khoa và Tiến sĩ Triết học ưu tú. Mẹ của William là bác sĩ Sarah Mandelbaum Sidis (SN 1874) tốt nghiệp trường Y khoa thuộc Đại học Boston năm 1897. Sarah đã theo gia đình sang Mỹ để tránh khỏi các cuộc tàn sát vào năm 1889 khi 15 tuổi. Boris và Sarah gặp nhau tại Mỹ và nhanh chóng phải lòng nhau. Họ kết hôn và sinh William vào năm 1898.
Thừa hưởng gen trội từ cha mẹ nên từ khi sinh ra, William đã thể hiện sự thông minh và IQ vượt trội so với bạn bè đồng trang lứa. Trong khi những đứa trẻ khác còn đang khóc oe oe đòi ăn, William đã bập bẹ học nói. Đến khi tụi trẻ học nói thì William đã có thể cầm tờ The New York Times mà đọc vanh vách.
Thời điểm ấy, cha của William - ông Boris đang nghiên cứu lý thuyết giáo dục mầm non của riêng mình. Vì vậy, ông bắt đầu tiến hành các thí nghiệm đặc biệt và giáo dục có mục tiêu cho William. William không được đi học mà nhận được toàn bộ sự giáo dục tại gia dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Ông Boris để William bắt đầu học tiếng Latin từ năm 2 tuổi, tự học tiếng Hy Lạp từ năm 3 tuổi, và đến năm 4 tuổi, cậu bé đã thông thạo tiếng Hy Lạp, tiếng Anh, tiếng Pháp cũng như tiếng Latin.
William bộc lộ trí thông minh hơn người từ khi còn rất nhỏ
Năm 6 tuổi, William bắt đầu tự học logic, ngôn ngữ và giải phẫu học. Năm 7 tuổi, cậu thi đỗ vào trường Y thuộc Đại học Harvard với kết quả xuất sắc. Tuy nhiên, do còn quá nhỏ và không thực sự đam mê ngành Y nên William không đăng ký học.
Năm 8 tuổi, William tiếp tục vượt qua kỳ thi tuyển sinh của MIT. Đến lúc này, cậu đã tự học và thông thạo tổng cộng 8 ngôn ngữ (tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, Hebrew, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Armenia). Cậu thậm chí còn phát minh ra một ngôn ngữ mới gọi là Vendergood.
Năm 9 tuổi, William vượt qua bài kiểm tra đầu vào chung của Đại học Harvard. Năm 10 tuổi, cậu đã có thể sửa lỗi trong bản thảo của giáo sư logic tại Đại học Harvard. Năm 11 tuổi, William chính thức vào học ở Harvard và bắt đầu cống hiến hết mình cho toán học cao cấp và chuyển động của thiên thể. Cậu nắm vững kiến thức đến mức có thể mở sân khấu diễn thuyết của riêng mình trong Câu lạc bộ Toán học Harvard, đồng thời tổ chức các buổi thuyết trình về cấu trúc và quan niệm về vật thể bốn chiều cho sinh viên Harvard cùng nghiên cứu.
11 tuổi, William đã trở thành sinh viên Đại học Harvard
Năm 17 tuổi, William được cả thế giới biết đến như một thiên tài tuyệt đối. Trong khi bạn bè đồng trang lứa còn vất vả trên ghế trung học và lo lắng về việc học đại học thì William đã tốt nghiệp rồi được giữ lại làm giảng viên của Đại học Harvard. Tuy nhiên, do bị một nhóm sinh viên Harvard đe dọa về mặt thể chất nên không lâu sau đó, cha mẹ đã kiếm cho William một công việc tại Viện nghiên cứu vì sự tiến bộ Văn khoa và Nghệ thuật William Marsh Rice (nay là Đại học Rice) ở Houston, Texas với vai trò trợ giảng môn Toán. Tại đây, William tham gia giảng dạy chính 3 lớp hình học Euclid, hình học phi Euclid và lượng giác.
Dù được coi là thiên tài "nghìn năm có một" nhưng quãng thời gian ở lại Harvard đã khiến cuộc đời William thay đổi. Ngoài năng khiếu thiên bẩm, nhiều người cho rằng một phần lớn cái "thiên tài" của William có được là nhờ sự giáo dục và đào tạo nghiêm khắc của người cha Boris.
Dưới sự kìm kẹp và ép buộc học tập của cha, William mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế nghiêm trọng từ khi còn nhỏ và trở nên cực kỳ nhạy cảm với thời gian. Ví dụ, khi William đến một nhà hàng để ăn, một khi thời gian phục vụ muộn hơn so với thời gian đã định, dù chỉ là một phút, thiên tài này sẽ liên tục nhìn đồng hồ và nhìn xung quanh một cách mất bình tĩnh, anh ấy sẽ dùng chân tay đá bàn, đập bàn với biểu hiện cực kỳ kích động trên gương mặt.
Và chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế này đã đồng hành suốt cuộc đời William. Khi còn giảng dạy tại Harvard, William luôn theo đuổi sự hoàn hảo và vô cùng thất vọng khi những gì William cho là phương pháp giảng dạy đúng đắn không mang lại hiệu quả như ý vào thời điểm đó. Kết hợp với việc bị đe dọa nên William đã từ chức giảng viên Harvard chỉ sau một năm giảng dạy.
Sau đó, William tiếp tục "đâm đầu" vào học. Năm 1916, William khi đó 18 tuổi chuyển sang trường Luật nhưng một năm trước khi tốt nghiệp, anh ta bị bắt vì tham gia một cuộc biểu tình và cuối cùng phải từ bỏ bằng luật của mình.
William thẳng thắn tuyên bố về chủ nghĩa hòa bình của cá nhân nhưng đã bị vô số người phương Tây chỉ trích, thậm chí ông Boris còn gửi William vào viện an dưỡng với hy vọng dùng phương pháp giáo dục của chính mình để thay đổi căn bệnh kích động của William. Ông thậm chí còn đe dọa rằng nếu William không nghe lời, ông sẽ gửi William vào bệnh viện tâm thần.
Phương pháp giáo dục của gia đình giúp William trở thành thiên tài nhưng đồng thời cũng đẩy William vào bi kịch
Do đó, William đành phải tạm thời thỏa hiệp và không còn theo đuổi quan điểm chính trị của mình nữa. Nhưng đồng thời, anh cũng không muốn tiếp tục là "sản phẩm thử nghiệm độc quyền" của cha mình, vì vậy anh đã từ bỏ sự nghiệp lẫy lừng của mình, xa lánh cha mẹ và kiếm sống bằng nghề cu li. Năm 1944, thiên tài trẻ tuổi lỗi lạc này qua đời vì đột quỵ ở tuổi 46.
Đến thời điểm hiện tại, những cuộc tranh luận liên quan đến cách thức nuôi dạy con cái của gia đình William vẫn nhận được nhiều sự chú ý. Phần lớn chỉ trích phương pháp giáo dục của cha mẹ William vì cho rằng trẻ nhỏ nên được đến trường và có các trải nghiệm đời thường để có thể phát triển toàn diện nhất về cả thể chất lẫn tâm lý. Hầu hết các nhà tâm lý học cho rằng trí thông minh là di truyền và có quan điểm hướng tới xóa bỏ giáo dục mầm non tại nhà.
Loạt khó khăn mà William gặp phải khi theo học và giảng dạy tại Đại học Harvard cho thấy cái khó của những đứa trẻ thần đồng khi buộc phải hòa hợp với môi trường xã hội quá sớm, dẫn đến thiếu đi những kỹ năng thông thường nhất.
Nguồn: Sohu