Tài chính

‘Đây là lời cảnh tỉnh cho Fed’: Các chuyên gia hàng đầu Phố Wall gióng hồi chuông trước vụ SVB phá sản

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã gây ra hoang mang, vì ngành tài chính Mỹ đang chứng kiến vụ phá sản lớn nhất kể từ năm 2008.

Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã thông báo đóng cửa và tịch thu tài sản của SVB. Cổ phiếu của công ty mẹ SVB Financial Group đã giảm 87% trong hai ngày. Một số công ty đầu tư mạo hiểm khuyên các công ty mới rút tiền từ SVB về.

Một số chuyên gia hàng đầu ở Phố Wall đang lên tiếng khi tình trạng hỗn loạn tiếp diễn.

Chiến lược gia thị trường toàn cầu Brian Levitt của Invesco

Levitt nói: “Ngân hàng SVB và First Republic là những trường hợp đầu tiên trong ngành có mô hình kinh doanh và bảng cân đối kế toán không phòng vệ cho môi trường lãi suất và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng”.

Chiến lược gia hướng sự tập trung sang ngân hàng có rủi ro lãi suất và tín dụng tiếp theo là Ngân hàng First Republic. Đây là ngân hàng có liên quan đến thị trường bất động sản ven biển.

Giám đốc đầu tư Brent Schutte của Northwestern Mutual Wealth Management

Ông Schutte nói với Insider: “Tôi thấy tin tức này như một lời cảnh báo đối với Fed, rằng hành động của họ đã gây ra hậu quả. Điều này có thể thuyết phục Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, đặc biệt là nếu còn nhiều ngân hàng trong nước khác liên quan đến lĩnh vực công nghệ”.

Vị giám đốc tin tưởng rằng vụ phá sản lần này không giống những gì đã xảy ra vào năm 2008. Các ngân hàng lớn nhất và quan trọng nhất trong hệ thống đã được quản lý chặt chẽ trong nhiều năm. Song, ông vẫn cho rằng đây là một lời cảnh tỉnh cho Fed về những tác động của việc tăng lãi suất.

Chuyên gia quản lý Jamie Cox tại Harris Financial Group

Cox nói với Insider: “Khi Fed tăng lãi suất 500 điểm cơ bản trong vài tháng, những vụ như SVB sẽ xảy ra. Cục Dự trữ Liên bang là người tạo ra cuộc khủng hoảng và họ có thể sẽ cần phải cắt giảm lãi suất để khắc phục điều đó".

Giám đốc chiến lược Quincy Krosby của LPL Financial

“Việc giám sát các cổ phiếu ngân hàng và các quỹ ETF sẽ báo hiệu được những vấn đề lớn hơn có thể xảy ra. Bất kỳ chấn động nào cũng có thể cảm nhận được trong lĩnh vực quỹ phòng hộ. Đó là lý do vì sao người ta chú ý những áp lực phát sinh dẫn đến việc bán tháo bất thường”, Krosby nói.

Theo MI

Cùng chuyên mục

Đọc thêm