Với nhiều người, ung thư chính là "lời tuyên án tử hình" đầy lạnh lùng và nghiệt ngã. Xong thực tế hiện nay có biết bao trường hợp đã chiến thắng ung thư nhờ tin vào y học hiện đại và thay đổi thói quen sống. Câu chuyện của nữ chuyên gia dinh dưỡng người Hồng Kông, Trung Quốc tên là Denise Tâm chính là một ví dụ.
Ngày tôi biết mình mang bệnh...
Cha mẹ tôi biết nhau khi còn là thanh thiếu niên và cả hai cùng đến học ở Toronto, Canada vào đầu những năm 1970. Bố tôi là kỹ sư còn mẹ tôi là thủ thư. Sau đó, họ kết hôn và sinh sống tại Toronto, rồi lần lượt sinh ra chị gái tôi vào năm 1980 và tôi vào năm 1983.
Cuộc sống của tôi những năm thơ ấu khá buồn tẻ, tôi không có đến một người bạn châu Á nào cho đến lớp 6. Mối quan hệ của bố mẹ thường xuyên căng thẳng với nhiều cuộc tranh cãi. Điều đó khiến tôi sợ hãi đến mức thường xuyên trốn tránh trong phòng một mình.
Denise Tâm và chị gái chụp ở Toronto năm 1990.
Ở tuổi thiếu niên, tôi đã không cần trốn nữa vì có thể ra ngoài dùng rượu để làm tê liệt cảm xúc. Tôi đã từng sống 10 năm như thế, với rượu bia và tiệc tùng rất nhiều.
Sau này, mẹ và chị gái tôi thành lập công ty sản phẩm sức khỏe tên là Jireh International Health tại Hong Kong. Khi tôi tốt nghiệp khoa văn học Anh tại Đại học Toronto năm 2004, bố tôi đi đi lại lại giữa Toronto và Hong Kong nhiều hơn.
Vào tháng 12 năm 2009, tôi đến thăm gia đình ở Hồng Kông và vì đã lâu không đi kiểm tra sức khỏe nên tôi đã làm một số xét nghiệm máu định kỳ. Sau đó, y tá gọi và yêu cầu tôi hãy đến viện vào ngày hôm sau để nói chuyện với bác sĩ. Ngày hôm đó tôi đi với mẹ, bác sĩ thông báo rằng tôi có nguy cơ cao đã mắc bệnh ung thư.
Các xét nghiệm sâu hơn cho thấy đó là ung thư hạch giai đoạn bốn tiến triển - nó đã ăn sâu vào tủy xương và máu của tôi. Tôi buồn bã và suy sụp, tự hỏi vì sao mình lại mắc bệnh khi không hề có các triệu chứng nào liên quan đến ung thư cả. Nhưng ngẫm nghĩ lại thì hình như là có, ví dụ như tôi bị táo bón nặng trong thời gian khá dài.
Denise Tâm, một chuyên gia dinh dưỡng toàn diện chụp vào năm 2023.
Nhìn lại mới thấy quả thật tôi thấy mình sống khá bản năng. Tôi có thể đi chơi đến 4 giờ sáng và thức dậy vào sáng hôm sau để đi học hay đi tập thể dục. Trong bệnh viện, tôi là một trong những bệnh nhân trẻ tuổi nhất - chỉ mới 26 tuổi. Ngay sau kỳ nghỉ lễ giáng sinh, tôi đã bắt đầu hóa trị ngay...
Những tháng ngày nằm viện đấu tranh với ung thư là khoảng thời gian tôi phải đối mặt với chính mình: Tôi là ai? Tôi đang sợ hãi điều gì? Căn bệnh ung thư mình mắc là gì và làm sao để chiến thắng nó? Có thể nói, ung thư đã đánh thức chính bản thân tôi để sống sáng suốt, lạc quan và lành mạnh hơn.
2 lần mắc bệnh ung thư và trải qua 16 đợt hóa trị
Sau khi đã trải qua 6 đợt hóa trị, tôi lao vào tìm hiểu về cách lựa chọn thực phẩm và nuôi dưỡng sức khỏe. Tôi đã dành thời gian nói chuyện với mọi người về cách thực phẩm có thể chữa lành hoặc gây hại cho cơ thể.
Tôi đang tìm hiểu xem mình là ai về mặt thể chất cũng như về mặt tâm lý, cân nhắc những câu hỏi lớn như “Tại sao tôi lại ở đây?”. Cũng chính điều đó đã khiến tôi tìm hiểu một khóa học trực tuyến về dinh dưỡng. Sau 6 tháng, bác sĩ nói tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh. Lúc này, tôi bắt đầu đam mê tìm hiểu sức khỏe và bí quyết của sự khỏe mạnh.
Những tưởng câu chuyện của tôi và ung thư đã kết thúc, cho đến khoảng 1 năm sau, bệnh ung thư đã tái phát. Tôi bị sốt cao và được đưa thẳng đến phòng cấp cứu; nhịp tim lúc nghỉ ngơi của tôi là 170. Ảnh chụp X-Quang cho thấy chất lỏng tích tụ trong phổi của tôi, đó là nguyên nhân khiến tôi khó thở.
Tâm và chị gái trong đợt hóa trị năm 2010. Cô bị ung thư hạch giai đoạn 4 tiến triển.
Lúc này, tế bào ung thư đã ở khắp mọi nơi, trong máu của tôi và một lần nữa, nó lại ở giai đoạn bốn. Bác sĩ chẳng còn sử dụng được loại thuốc mà họ đã dùng cho cơ thể tôi trước đây vì đã bị nhờn thuốc.
Vậy là tôi lại bước vào lần hóa trị thứ hai! Lần này tôi đã trải qua 7 đợt, kéo dài trong vòng 7 tháng. Vậy là tôi đã trải qua tổng cộng 2 lần điều trị ung thư với 13 đợt hóa trị, sau khoảng thời gian đó tôi về nhà với sự tổn thương cả về cơ thể lẫn cảm xúc.
Nhưng như vậy vẫn chưa kết thúc, bác sĩ chuyên khoa ung thư cho biết tôi cần phải tiếp tục thực hiện hóa trị ba tháng một lần trong hai năm tới để đảm bảo ung thư không di căn. Vậy là đợt hóa trị thứ ba đã diễn ra, cơ thể tôi bắt đầu suy nhược và tôi bị phù nề nghiêm trọng. Mắt cá chân và bàn chân của tôi phồng lên và bỏng rát đến mức tôi không thể đặt chân xuống sàn. Khắp cơ thể tôi bị phù nề, đến mức tôi không thể ấn hai tay vào nhau vì vô cùng đau đớn.
Tâm leo núi vào năm 2010. Niềm tin đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của cô sau khi được chẩn đoán mắc ung thư.
Tôi ngừng hóa trị vào tháng 11 năm 2013 với tổng cộng 16 đợt hóa trị, lúc này tôi đã mất 100% thính giác ở tai phải do tổn thương dây thần kinh sau tất cả các đợt hóa trị.
Tôi về nhà và buộc phải làm mọi điều tốt nhất cho cơ thể của mình: Rèn luyện sức khỏe tinh thần và cảm xúc, đảm bảo bản thân đang ăn uống điều độ và tập thể dục đúng cách. Từ đó, tôi dần thấy mình sống nhẹ nhàng hơn.
Tôi đã điều chỉnh thói quen sống của mình và bổ sung các loại vitamin. Trước khi mỗi lần ăn thứ gì, tôi đều nghĩ: "Tôi cần phải chọn thật kỹ, nếu không ung thư sẽ quay trở lại". Phù nề trên cơ thể dần biến mất, nhưng thính giác không quay trở lại.
Dù vậy, tôi vẫn biết ơn cuộc đời và các bác sĩ vì đã cho tôi có cơ hội để sống một cuộc sống bình thường. Bản chất của ung thư hạch là dễ tái phát, xong tôi luôn xây dựng cho bản thân một cảm xúc lạc quan. Mỗi khi tra cứu về tỷ lệ tử vong do ung thư hạch, tôi thường tự nhủ mình sẽ không có trong số đó vì bản thân đang sống rất tốt với những thói quen sống khoa học, những thực đơn ăn uống lành mạnh mà bản thân đã tự nghiên cứu.
Giờ đây, tôi vừa phụ gia đình điều hành chuỗi cửa hàng bán lẻ vừa làm việc như một chuyên gia dinh dưỡng toàn diện được cấp bằng. Hy vọng với những kiến thức mà tôi đã được học, cũng như các kinh nghiệm mà tôi đã ứng dụng cho cơ thể mình, tôi có thể giúp đỡ nhiều hơn cho các trường hợp đang mắc bệnh ung thư.