“Tôi thường đi khảo sát thị trường sau Tết Nguyên đán. Năm nay, tôi dành khoảng 6 ngày để đi tới các thị trường miền Bắc, miền Trung và nhận thấy một dấu hiệu”, ông Lưu Quang Tiến – Phó Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Weland cho biết trong chương trình Landshow của VTV Money với chủ đề “Tìm ẩn số đất năm 2023?”.
Theo ghi nhận của ông, chỉ trong 10 ngày đầu tiên của năm 2023, tính từ mùng 6 Tết – thời điểm người dân trở lại làm việc - đến ngày rằm tháng Giêng, một dự án tại miền Bắc đã đạt mức thanh khoản tương đương 3 tháng quý IV/2022 cộng lại.
“Đây chỉ là phép so sánh mang tính tham khảo, bởi ai cũng biết rằng quý IV/2022 thanh khoản ảm đạm. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là mức thanh khoản này nằm ở những dự án mang tính chất nhu cầu thực, giá trị thực. Còn đối với những dự án đầu cơ một cách quá đà, thanh khoản vẫn giậm chân tại chỗ”, ông Tiến giải thích.
Vấn đề mà vị Phó Tổng giám đốc này muốn đề cập là sự “thanh lọc” trên thị trường bất động sản đầu năm 2023. “Tôi nghĩ rằng đã thanh lọc một phần và sẽ tiếp tục thanh lọc để chờ đợi một thị trường tốt vào giữa năm”, ông cho biết.
Ông Tiến đánh giá nguồn vốn không phải nguyên nhân duy nhất khiến bất động sản đi xuống hoặc đi ngang quá lâu, mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác như thủ tục pháp lý. Thời gian hoàn thiện pháp lý khá lâu làm nghẽn tắc nguồn cung ra thị trường. Thêm vào đó là nguyên nhân chủ quan từ phía các chủ đầu tư.
“Tôi không nói tất cả các chủ đầu tư, nhưng một số người đưa sản phẩm ra thị trường mà chưa khảo sát kỹ, mang tính chất đầu cơ quá nhiều. Vì thế, khi thị trường thanh lọc, rõ ràng những sản phẩm như vậy sẽ bị đưa vào danh sách không đáng đầu tư”, ông phát biểu.
“Tôi kỳ vọng lãi suất sẽ biến chuyển vào đầu quý II/2023. Với độ trễ về tác động đến thị trường bất động sản khoảng 2-3 tháng, tôi nghĩ khoảng cuối quý II – đầu quý III năm nay thị trường sẽ ấm lên. Tuy nhiên, mọi người không nên kỳ vọng thị trường sẽ tăng vọt lên như mức giá 3 năm qua. Bây giờ tính thanh lọc mạnh hơn rất nhiều”, Phó Giám đốc Weland bày tỏ.
Tổng Giám đốc AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn cũng trình bày những dấu hiệu tích cực cả trong và ngoài nước đối với thị trường bất động sản, xét về các yếu tố chung như tình hình vĩ mô, lãi suất, chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)…
“Đầu tiên, yếu tố mọi người hay nói đến nhất là sự tăng lãi suất của đồng USD. Sau lần tăng thứ 8, ở lần điều chỉnh tiếp theo, mức tăng rất nhỏ là 0,25 điểm phần trăm”.
“Thứ hai, các chỉ số lạm phát bên quốc tế, cụ thể là thị trường Mỹ đã có dấu hiệu đi xuống. Nghe thì xa xôi, nhưng điều này gây ảnh hưởng trực tiếp bởi nền kinh tế của chúng ta dùng USD rất nhiều. Các doanh nghiệp bất động sản vay bằng USD, máy móc nguyên liệu cũng nhập khẩu”, ông Tuấn phân tích.
Tại Việt Nam, chuyên gia tài chính này chỉ ra yếu tố tích cực đầu tiên là tỷ giá đã ổn định, thậm chí VND đang mạnh lên. Lãi suất tiền gửi ngân hàng đã giảm, chỉ số tăng trưởng tiền gửi so với tín dụng đang tốt lên nhiều, ảnh hưởng đến thanh khoản trên thị trường. Một yếu tố khác là lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng giảm.
“Cộng hai yếu tố bên ngoài và bên trong, tôi thấy lãi suất đã qua giai đoạn căng thẳng nhất. Khi lãi suất đạt đỉnh, thị trường sẽ đạt đáy. Bây giờ chỉ số đó đang đi xuống, nên tôi đang rất kỳ vọng vào sự khôi phục của thị trường”, ông Tuấn cho hay.