Thời sự

Doanh nghiệp đề xuất mở rộng danh sách các nước được miễn visa, ngay từ hè 2023

Chia sẻ tại Hội thảo "Mở visa, phục hồi du lịch" diễn ra ngày 10/3,bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Sun World, Tập đoàn Sun Group cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hiện nay đang gặp muôn vàn khó khăn.

Hàng loạt khách sạn, nhà hàng rao bán, chuyển nhượng, tàu thuyền du lịch nằm im bất động, nhiều khu du lịch đìu hiu… là tình cảnh chung ở nhiều điểm đến vốn luôn rất đông khách trước dịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Với tập đoàn Sun Group, sau mở cửa, lượng khách sụt giảm rõ rệt. Nếu như năm 2019, tỷ lệ lấp đầy phòng của hai resort này đạt trên 80% thì nay chỉ còn 30 - 40%. Đặc biệt là doanh thu sụt giảm ở hệ thống chi tiêu.

Theo bà Nguyện, có rất nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam chưa hút được khách quốc tế, trong đó, rào cản lớn hiện nay là chính sách visa.

Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh một lần.

Trong khi đó Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore cho 162 quốc gia, Phillipines cho 157 quốc gia, Nhật Bản cho 68 quốc gia, Hàn Quốc 66 quốc gia, Thái Lan 64 quốc gia… Các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.

Linh hoạt hơn trong chính sách visa

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation. (Ảnh: TN).

 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation nhấn mạnh, nút thắt lớn nhất của ngành du lịch hiện nay là chính sách visa. Khi khách hàng đi qua hai cửa hàng, một mở toang, còn một mở hé hé, không biết nếu vào mua có bị đuổi hay không thì chắc chắn người ta chọn bên mở toang rồi. Visa là yếu tố đầu tiên để hút khách quốc tế đến, ông Kỳ khẳng định.

 

Dẫn câu chuyện Nga là nước yêu cầu xét duyệt visa rất khó khăn nhưng khi tổ chức World Cup, họ sẵn sàng chấp nhận miễn visa cho tất cả hành khách có vé bóng đá, ông Kỳ đề xuất cần có chính sách visa linh hoạt theo từng chủ đề, chủ điểm, từng thời điểm với mục tiêu phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh du lịch, hình ảnh quốc gia, không cứng nhắc theo nguyên tắc có đi có lại.

Sau dịch COVID-19, Việt Nam dù quyết tâm mở cửa du lịch rất sớm từ 15/3/2022 nhưng đến nay vẫn "kiên trì" chính sách visa khắt khe, số lượng quốc gia được miễn visa quá ít, số ngày lưu trú quy định vỏn vẹn 15 ngày. 

"Chúng ta vẫn đang coi khách du lịch là đối tượng quản lý, không phải đối tượng khai thác. Là đối tượng quản lý thì quản chặt, không có chính sách để khai thác triệt để nguồn lợi mà họ mang lại", ông Kỳ nêu một bất cập.

Quốc hội đang gợi mở thông qua chính sách nâng thời gian lưu trú cho khách lên 30 ngày nhưng tại sao chúng ta không nâng hẳn lên 90 ngày? Indonesia thậm chí đã cho phép người ngoại quốc tới lưu trú tới hai năm, đa phần là 90 - 180 ngày.

Phải chăng chúng ta đang quá "tuân thủ" theo mục tiêu chỉ cần đón 5 triệu, 8 triệu khách là đủ?, ông Kỳ nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần nhanh chóng sửa Luật, ban hành các chính sách đột phá, cởi mở về visa. Đơn cử, quy định duyệt visa cho khách ở 15 ngày đầu tiên, 15 ngày sau đó sẽ tự động gia hạn visa; chấp nhận các kiểu visa Quan Hồng như ở Đài Loan hoặc visa đoàn như Nhật Bản; thí điểm miễn visa tới 6 tháng cho một số thị trường trọng điểm...

Đề xuất miễn visa cho 80 nước, ngay từ hè 2023

Bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Sun World. (Ảnh: TN).

Đề xuất giải pháp vực dậy ngành du lịch,thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Sun World kiến nghị 4 giải pháp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân của tổng cộng 80 quốc gia trên thế giới.

Thứ nhất, trong ngắn hạn cần mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương, cụ thể là mở rộng miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc danh sách được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam để có thể tranh thủ đón khách quốc tế trong dịp hè này.

Thứ hai, trong dài hạn, đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó tăng thời hạn thị thực lên 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần.

Đồng thời, xem xét thêm việc miễn phí visa cho một số nước có nhu cầu ở dài như Australia, New Zealand… Nghiên cứu quy trình, áp dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế.

Cuối cùng, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế đến Việt Nam qua mọi phương tiện: Đường hàng không, đường tàu biển, đường bộ qua các cửa khẩu.

Việt Nam không chỉ quan tâm đến khách đi đường hàng không, mà cần chú trọng đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh, phương tiện đi lại, tạo sự thuận lợi tối đa cho khách ở các thị trường nước láng giềng đi qua các cửa khẩu biên giới, bà Nguyện nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm