Kazuo Inamori còn nổi tiếng với vai trò là người đã hồi sinh hãng hàng không Japan Airlines, Nhật Bản.
Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó năm 1932 tại tỉnh Kagoshima, từng suýt chết vì bệnh lao khi còn trẻ. Do gia cảnh khó khăn, Inamori bỏ học nhiều lần, rất vất vả mới có thể tốt nghiệp đại học.
Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho công ty Shokaze Industry đang trên bờ vực phá sản. Trong số bảy người cùng vào làm thời điểm đó, ông là người duy nhất trụ lại sau một năm, do mọi người đều thấy tương lai ảm đạm, muốn tìm công việc khác tốt hơn. Thậm chí khi ra chợ, Kazuo Inamori còn bị người bán hàng cười chê: "Này anh bạn, nếu còn làm ở công ty sắp phá sản đó, chẳng có tiền lấy vợ đâu".
Tuy nhiên, Kazuo Inamori lại nghĩ khác. Ông cho rằng những người tích cực, nghiêm túc và có trách nhiệm trong công việc, dù tạm thời ở một công ty không mấy quyền lực, họ vẫn có tương lai tươi sáng. Theo ông, ở nơi làm việc nào con người cũng chỉ đạt tới mục tiêu: Kiếm tiền và nâng cao khả năng kiếm tiền.
''Không có niềm vui nào trong cuộc sống lớn hơn làm việc chăm chỉ và nghiêm túc, vượt qua khó khăn và khổ cực để tạo thành quả. Như vậy mới có thể thay đổi cuộc đời mỗi người", vị tỷ phú từng nói.
Kazuo Inamori không hối hận hay phàn nàn giống những đồng nghiệp đã bỏ công ty sắp phá sản ra đi mà đắm mình vào công việc. Kết quả là những thành tựu nghiên cứu đáng kinh ngạc lần lượt ra đời, làm cho cuộc đời ông thay đổi theo.
Không chỉ đúc rút những nguyên tắc thành công, Kazuo Inamori cũng đề cập tới nhóm người khó làm nên chuyện với ba đặc điểm nổi bật.
Chi nhiều tiền cho những thứ không quan trọng
Rất nhiều người chi tiêu không có kế hoạch. Dù lương tháng chỉ ở mức trung bình nhưng họ đổi điện thoại đời mới liên tục, còn dùng thẻ tính dụng mua đồ đắt tiền.
Theo Kazuo Inamori, ai cũng có quyền theo đuổi những món đồ xa xỉ nhưng cần phải biết lựa sức mình, nếu không tương lai sẽ bị hủy hoại bởi những thứ phù phiếm. Nếu chưa có nhiều tiền nhưng biết cách quản trị và tiêu dùng khôn ngoan, không ngừng nâng cao nhận thức và năng lực bản thân, sau này không lo không kiếm được tiền.
Tham dự những bữa tiệc vô nghĩa
Quay trở lại câu chuyện của Kazuo Inamori, sau khi bị người bán hàng chế giễu, ông lại càng chăm chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của công ty. Ông hầu như không rời khỏi căn phòng này, đồng nghĩa từ chối mọi cuộc tụ họp trong vài tháng.
Theo vị tỷ phú, mỗi người đều có nhiều mối quan hệ, để gặp gỡ, để tụ họp. Tuy nhiên nên đặt câu hỏi, có bao nhiêu mối quan hệ trong số đó đem lại giá trị đích thực.
Sẽ có người đặt câu hỏi: "Nếu không tham gia các bữa tiệc, làm sao có thể gặp gỡ được nhiều người và nhận được cơ hội tốt hơn?". Theo Kazuo Inamori, trong một mối quan hệ, nếu bạn không mang lại lợi ích cho đối phương, tại sao họ lại lãng phí thời gian cho bạn? Bởi vậy trước khi bắt đầu mở rộng mối quan hệ, nên định vị lại bản thân, tính toán xem bạn có thể mang lại lợi ích gì cho người khác, thay vì đến những bữa tiệc vô nghĩa mỗi ngày.
"Khi bạn có thể mang lại lợi ích cho người khác, các mối quan hệ giá trị và những cơ hội tốt chắc chắn sẽ đến với bạn", Kazuo Inamori khẳng định.
Ảo tưởng làm giàu sau một đêm
Trong năm đầu tiên kinh doanh, Kazuo Inamori kiếm hàng triệu đô lợi nhuận. Lúc đó, nhiều đồng nghiệp theo ông nghĩ ngay đến việc chia cổ tức, nếu không sẽ nghỉ việc hàng loạt. Vị tỷ phú đã dành ba ngày xoa dịu tình trạng hỗn loạn cũng như nhắc những người trẻ tuổi rằng không nên ảo tưởng việc làm giàu chỉ sau một đêm.
Hiện nay, không ít người trẻ ôm mộng khởi nghiệp để làm giàu nhanh. Nhưng họ chưa lường trước hết được những thử thách phải đối mặt. Thị trường luôn biến động, nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không có kế hoạch phát triển hay đối phó rủi ro, sẽ nhanh chóng gặp thất bại. Những người nhanh thất bại nhất chính là những người luôn muốn giàu có trong một sớm một chiều.
Theo vị tỷ phú, một khi chưa đủ kiến thức, tầm nhìn và năng lực, đừng hành động mù quáng rồi ôm nợ vào thân.
(Theo sohu)