Quốc hội Trung Quốc hôm 11-3 bỏ phiếu thông qua đề cử của Chủ tịch Tập Cận Bình, qua đó ông Lý Cường trở thành thủ tướng mới của nước này. Ông Lý Cường tuyên thệ nhậm chức cùng ngày, đảm nhận nhiệm kỳ 5 năm với nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục nền kinh tế bị "trúng đòn" bởi đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, ông Lý Cường kế nhiệm ông Lý Khắc Cường vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây gia tăng về một loạt vấn đề, như Mỹ tìm cách ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ then chốt và nhiều công ty toàn cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Giới phân tích nhận định ông Lý Cường chưa có kinh nghiệm làm việc trong chính quyền trung ương trước khi đảm nhận vị trí mới, đồng nghĩa ông có thể đối mặt khó khăn trong những tháng đầu tiên sau khi nhậm chức.
Theo tờ South China Morning Post, ông Lý Cường sẽ có cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị thủ tướng sau khi kỳ họp quốc hội bế mạc ngày 13-3. Sự kiện này sẽ được giới quan sát theo dõi chặt chẽ nhằm nắm bắt dự định của ông Lý Cường về cách thức vực dậy nền kinh tế, đối phó các thách thức về nhân khẩu học và những vấn đề khác.
Ông Lý Cường tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Trung Quốc hôm 11-3 Ảnh: REUTERS
Bà Ava Shen, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), cho biết: "Thách thức lớn nhất của ông Lý là vực dậy nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Vẫn chưa chắc liệu nhu cầu của người tiêu dùng có thể phục hồi đáng kể trong năm nay để thúc đẩy tăng trưởng hay không. Trong khi đó, rủi ro tài chính trong lĩnh vực bất động sản và nợ công vẫn còn đó. Ông ấy cần đưa ra các chính sách để thúc đẩy hơn nữa nhu cầu trong khi vẫn ngăn ngừa rủi ro tài chính".
Một số nhà quan sát cho rằng ông Lý Cường có thể được trao nhiều quyền hạn hơn trong việc xử lý các vấn đề kinh tế vì mối quan hệ gần gũi với ông Tập Cận Bình. Ông Lý Cường từng là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Chiết Giang giai đoạn 2004-2007. Thời điểm này, ông Tập Cận Bình là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang.
Theo giới quan sát, đối mặt với niềm tin kinh doanh thấp, nhu cầu tiêu dùng chưa hồi phục, lĩnh vực bất động sản ảm đạm, khủng hoảng nợ của các chính quyền địa phương và căng thẳng địa chính trị leo thang với Mỹ, thách thức lớn nhất đối với cả ông Tập Cận Bình và ông Lý Cường vẫn là bảo đảm lộ trình phục hồi kinh tế đi đúng hướng.
Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, cho rằng ông Lý Cường từng thể hiện sự nhạy bén về kinh tế khi còn làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào tân thủ tướng.
Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, nhận định thêm rằng ông Lý Cường đã tìm cách tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đề cập đến tốc độ nhà máy sản xuất ôtô của hãng Tesla (Mỹ) tại Thượng Hải đi vào hoạt động năm 2019. Nhà lãnh đạo này cũng đóng vai trò trong việc thúc đẩy Trung Quốc chấm dứt chính sách không khoan nhượng với COVID-19 vào cuối năm ngoái, theo Reuters.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% vào năm ngoái và Bắc Kinh đặt mục tiêu con số này năm nay là khoảng 5%, mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ. Ông Christopher Beddor, Phó Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Công ty Tài chính Gavekal Dragonomics (Hồng Kông - Trung Quốc), cho rằng nhiệm vụ hàng đầu của tân thủ tướng trong năm nay là đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên mà không khiến nợ hoặc lạm phát thêm nghiêm trọng.
Nhân dịp Kỳ họp thứ nhất khóa XIV Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bầu ra Thủ tướng Quốc vụ viện, ngày 11-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện mừng tới Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường.