Theo thông báo, ngày 16-9 Gojek chính thức rút khỏi Việt Nam, quyết định này không chỉ gây xôn xao cho cộng đồng tài xế Gojek, mà còn khiến nhiều khách hàng trung thành của hãng không khỏi nuối tiếc.
Cú sốc cho hàng nghìn tài xế, khách hàng
Với hàng nghìn tài xế đang phải chuyển đổi công việc và các đối tác nhà hàng đứng trước tình thế phải tìm nền tảng khác để tiếp tục vận hành, câu hỏi được đặt ra là: Điều gì đã khiến Gojek đưa ra quyết định này?
Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) ngày 5-9, những nhóm tài xế Gojek bàn luận sôi nổi về việc nền tảng này sẽ dừng hoạt động. Nhiều người chia sẻ sự tiếc nuối khi mất đi một nguồn thu nhập ổn định, đồng thời phải tìm cơ hội chuyển sang các app khác. Anh Quang, một tài xế Gojek, chia sẻ: "Tôi đã gắn bó với Gojek gần ba năm. Bây giờ phải tìm kiếm những cơ hội mới khi thu nhập từ nền tảng này không còn là điều dễ dàng".
Không chỉ các tài xế, nhiều khách hàng trung thành của Gojek cũng bày tỏ sự tiếc nuối. Chị Thùy Dương, một người dùng thường xuyên, nói rằng chị sẽ nhớ những ưu đãi và sự tiện lợi mà Gojek mang lại. "Mặc dù có thể chuyển sang các ứng dụng khác, nhưng sự quen thuộc với Gojek là điều tôi sẽ nhớ mãi", chị Dương chia sẻ.
Các nhà hàng, quán ăn sử dụng dịch vụ GoFood của Gojek cho biết thời gian gần đây, lượng đơn hàng qua app này đã sụt giảm đáng kể. Anh Nguyễn Thế Đỉnh, chủ chuỗi 23 chi nhánh quán ăn, cho biết trước đây sử dụng Gojek bên cạnh các ứng dụng khác nhưng lượng đơn hàng từ GoFood không còn đủ lớn để tiếp tục hợp tác. "Mỗi tuần chỉ lèo tèo vài đơn từ Gojek, so với các ứng dụng khác thì không thấm vào đâu", anh Đỉnh cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Gojek Việt Nam cho hay quyết định rút khỏi thị trường là một phần trong chiến lược tái cấu trúc toàn cầu của tập đoàn mẹ GoTo. Tập đoàn này đang thực hiện những bước đi mạnh mẽ nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, củng cố lợi nhuận và tập trung vào các thị trường cốt lõi. Đại diện của Gojek Việt Nam vẫn chưa trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về các chính sách hỗ trợ cho tài xế, nhà hàng sau khi rút lui.
Dù chưa có nhiều thông tin chi tiết về lý do chính xác đằng sau việc rút lui, nhưng có thể thấy rằng sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường gọi xe và giao đồ ăn tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
Miếng bánh cho ai?
Ông Nguyễn Ngọc Luận, tổng giám đốc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh F&B tại TP.HCM, nhận định việc Gojek rút lui khỏi Việt Nam không phải là điều quá bất ngờ khi nhìn vào sức ép tài chính mà các doanh nghiệp công nghệ đang phải đối mặt.
Với việc liên tục tung ra các chiến dịch khuyến mãi để thu hút khách hàng, Gojek và nhiều nền tảng khác đã chịu áp lực rất lớn về lợi nhuận. Trong bối cảnh này, những doanh nghiệp không có chiến lược dài hạn vững chắc sẽ phải chấp nhận rút lui.
Dù vậy sự rút lui của Gojek tại Việt Nam mở ra cơ hội rất lớn cho những tay đua còn lại trên thị trường. Trong đó có thể kể đến các doanh nghiệp trong nước như Xanh SM, Loship, Be... và có thể cả các hãng xe taxi truyền thống nếu họ có những bước đi mới, sáng tạo.
Tuy nhiên Grab có lợi thế lớn nhất bởi họ đang sở hữu nền tảng gồm toàn bộ dịch vụ tương tự như Gojek, cộng với năng lực tài chính dồi dào, Grab được cho là sẽ tranh thủ cơ hội để chiếm lĩnh sâu rộng thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, Xanh SM, hệ sinh thái của Tập đoàn VinGroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng, đang dần khẳng định được chỗ đứng, trở thành đối thủ nặng ký trong tương lai. Với sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư mạnh mẽ và tiềm lực tài chính lớn, Xanh SM đang tập trung vào chiến lược phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện điều kiện làm việc cho tài xế.
Cần định hình đầu tư phát triển bền vững
Việc Gojek rút lui chính là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn sàng lọc khốc liệt, nơi chỉ có những doanh nghiệp nào thực sự hiểu và đáp ứng được nhu cầu người dùng mới có thể tồn tại và phát triển.
Cuộc đua trong thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam giờ đây không chỉ là việc ai nhanh hơn mà còn là ai bền vững hơn chứ "đốt tiền" chưa chắc thắng. Dù vậy các chuyên gia cho rằng quá ít sự cạnh tranh cần phải xem xét, giám sát doanh nghiệp có khả năng chi phối thị trường, gây ra sự xáo trộn về giá cả, dịch vụ... tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Khoa, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, cho rằng các doanh nghiệp app gọi xe công nghệ như Grab, Be đều phải đối mặt với bài toán sinh lời. Việc liên tục đẩy mạnh các chiến dịch giảm giá, khuyến mãi có thể giúp họ thu hút khách hàng trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ tạo ra áp lực tài chính khổng lồ. Để phát triển bền vững, các nền tảng cần tìm kiếm những giải pháp sáng tạo hơn, tạo ra giá trị thực sự cho người dùng thay vì chỉ dựa vào việc giảm giá.
Một trong những giải pháp được các chuyên gia đề xuất là các nền tảng nên tập trung phát triển hệ sinh thái dịch vụ đa dạng và cải tiến công nghệ để nâng cao hiệu quả vận hành. Thay vì chỉ cạnh tranh về giá cả, việc tạo ra những dịch vụ giá trị gia tăng, từ giao hàng nhanh chóng, an toàn cho đến tích hợp các dịch vụ liên quan đến lối sống, như tư vấn ẩm thực, gói đăng ký hằng tháng cho khách hàng trung thành, là những yếu tố có thể giúp các nền tảng khác biệt hóa.
Dù Gojek đã rời đi, tương lai của thị trường gọi xe và giao đồ ăn tại Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và nhu cầu sử dụng các dịch vụ công nghệ ngày càng phổ biến, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để phát triển. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển bền vững, không thể chỉ dựa vào khuyến mãi mà còn phải tập trung vào giá trị cốt lõi.
Những gã khổng lồ xe công nghệ vẫn lỗ
Theo tạp chí Nikkei Asia, không chỉ tại Việt Nam, tình hình kinh doanh của GoTo - công ty mẹ của Gojek với trụ sở ở Indonesia - cũng khá long đong. Năm 2023, công ty này lỗ ròng lên đến 90.000 tỉ rupiah (5,8 tỉ USD), gấp đôi so với năm 2022.
Bước sang năm 2024, kết quả tài chính công ty có vẻ sáng sủa hơn khi chỉ lỗ 2.800 tỉ rupiah (174 triệu USD) trong sáu tháng đầu năm, thấp hơn đáng kể mức lỗ 7.200 tỉ rupiah (466 triệu USD) cùng kỳ. Doanh thu ròng của công ty cũng tăng 12%.
Tình hình của Grab - đối thủ cạnh tranh lớn của GoTo ở Đông Nam Á - cũng có nhiều nét tương tự. Kết quả kinh doanh quý 2-2024 của Grab cho thấy lỗ hoạt động của công ty này giảm 68% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 56 triệu USD. Các kết quả trên cho thấy dù vẫn chưa thể thu về lợi nhuận ròng nhưng cả Grab và GoTo đều đã vượt qua những tháng ngày khó khăn nhất.
Thực tế mức lỗ nặng của GoTo trong năm 2023 một phần không nhỏ đến từ thương vụ bán nền tảng thương mại điện tử Tokopedia với TikTok hồi tháng 12-2023. EBITDA của Grab cũng đã dương trở lại, sau một năm 2023 âm 22 triệu USD. Điều này cho thấy tác động tích cực của việc ngành du lịch các nước Đông Nam Á dần hồi sinh sau đại dịch COVID-19.
Theo thông báo của GoTo, việc rút khỏi thị trường Việt Nam sẽ không tác động đến tình hình tài chính công ty này vì các hoạt động tại đây chỉ chiếm 0,5% tổng khối lượng giao dịch của công ty trong quý từ tháng 4 đến tháng 6-2024. Như vậy, ngoài thị trường Indonesia, dịch vụ xe công nghệ của GoTo sẽ chỉ còn một thị trường nước ngoài là Singapore. Trước Việt Nam, công ty này cũng đã rút khỏi thị trường Thái Lan vào năm 2021.
Nhiều kỳ lân công nghệ "gục ngã" tại thị trường Việt
Năm 2018, Gojek vào thị trường Việt Nam với thương hiệu và logo riêng là GoViet. Đến năm 2020, GoViet hợp nhất thương hiệu với tên gọi chung là Gojek và hoạt động đến nay. Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, Gojek cung cấp các dịch vụ như vận chuyển hành khách bằng xe máy (GoRide), ô tô (GoCar), giao hàng (GoSend) và giao đồ ăn (GoFood).
Trước Gojek đã có hai thương hiệu lớn là hãng xe công nghệ Mỹ Uber đã rút khỏi Việt Nam vào đầu năm 2018 và gần đây là thương hiệu dịch vụ giao thức ăn qua app Baemin của Hàn Quốc ngừng hoạt động vào cuối năm 2023.