Thói quen uống cà phê và trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người Việt. Đây có thể được xem như một biểu tượng văn hóa khi phần lớn người Việt đều có thói quen thường tụ tập tại các quán xá, nhâm nhi ly cà phê hoặc ly trà đậm đà, trò chuyện và thư giãn. Trà và cà phê không chỉ là thức uống giải khát mà còn là cầu nối trong giao tiếp xã hội, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều người thường thắc mắc rằng, uống cà phê hay uống trà sẽ tốt hơn cho sức khỏe? Hãy cùng tìm hiểu qua các nghiên cứu sau đây.
Cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn, giảm nguy cơ ung thư và tiểu đường
Cả cà phê lẫn trà đều giàu chất chống oxy hóa - những hợp chất hóa học giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư và tiểu đường.
Theo Phó giáo sư Matthew Chow, chuyên gia thần kinh học tại Đại học California Davis, một nghiên cứu năm 2013 đã chỉ ra rằng, cà phê có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn so với trà, sôcôla nóng và rượu vang đỏ. Các chất chống oxy hóa phổ biến trong cà phê gồm axit chlorogenic, ferulic, caffeic và n-coumaric. Đặc biệt, caffeine cũng được xem là một chất chống oxy hóa tiềm năng. Trong trà xanh, catechin là hợp chất nổi bật, được biết đến với khả năng chống viêm.
Tiến sĩ Christopher Gardner, Giám đốc Nghiên cứu Dinh dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu Phòng bệnh Stanford (Mỹ), cho rằng các chất chống oxy hóa trong cà phê và trà có thể giúp ngăn ngừa hoặc hỗ trợ điều trị các bệnh thoái hóa mãn tính như đột quỵ, ung thư, tiểu đường và tim mạch.
Cà phê chứa nhiều caffeine hơn, giúp tỉnh táo nhanh chóng
Cà phê thường chứa hàm lượng caffeine cao hơn trà, một chất kích thích giúp tăng cường sự tỉnh táo và năng lượng.
Theo một nghiên cứu năm 2015, những người tiêu thụ một lượng caffeine vừa phải có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 thấp hơn, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson, và một số loại ung thư như ung thư ruột kết, tử cung và gan.
Tiến sĩ Christopher Gardner cho biết một tách cà phê thông thường cung cấp từ 80 đến 100mg caffeine, trong khi trà chỉ chứa từ 30 đến 50mg.
Phó giáo sư Chow cũng đồng tình, cho rằng hàm lượng caffeine trong cà phê cao gấp 2-3 lần so với trà đen, dù lượng này có thể thay đổi tùy thuộc vào loại trà, cách pha chế và các yếu tố khác. Chẳng hạn, một tách trà đen chứa khoảng 48mg caffeine, trong khi trà xanh chỉ có 29mg, và các loại trà thảo mộc như bạc hà hay hoa cúc hoàn toàn không có caffeine.
Dù caffeine có nhiều lợi ích sức khỏe, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo rằng tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây ra các vấn đề như buồn nôn, tiêu chảy, mất ngủ, lo âu và tim đập nhanh. Mức độ dung nạp caffeine khác nhau tùy thuộc vào từng người, vì vậy cần lắng nghe cơ thể để điều chỉnh lượng tiêu thụ phù hợp.
Nhưng trà giúp tập trung bền bỉ hơn
Trà không chỉ cung cấp năng lượng bền bỉ mà còn giúp tăng cường sự tập trung, nhờ chứa L-theanine - một amino axit có khả năng duy trì hiệu quả của caffeine trong thời gian dài. Dù cà phê mang lại cảm giác tỉnh táo nhanh chóng nhờ hàm lượng caffeine cao hơn, trà lại cung cấp năng lượng ổn định hơn.
Nghiên cứu từ năm 2008 chỉ ra rằng, khi L-theanine kết hợp với caffeine, sự tập trung và hiệu quả nhận thức được cải thiện rõ rệt so với việc chỉ tiêu thụ caffeine. Sự kết hợp này giúp người uống trà không chỉ giữ được tỉnh táo lâu dài mà còn duy trì sự chú ý tốt hơn.
Cả trà xanh và trà đen đều chứa L-theanine, với lượng trong trà xanh cao hơn đôi chút, khoảng 6,56 mg mỗi tách, trong khi trà đen chứa khoảng 5,13 mg.
Vậy uống trà hay cà phê tốt hơn?
Sau nhiều kết quả nghiên cứu, Phó giáo sư Matthew Chow cho biết, việc lựa chọn giữa trà và cà phê phụ thuộc vào sức khỏe và nhu cầu cá nhân, vì không thể khẳng định loại nào tốt hơn.
Cả 3 cuộc nghiên cứu khác nhau phía trên đã chỉ ra rằng, nếu bạn cần sự tỉnh táo tức thì, cà phê với hàm lượng caffeine cao sẽ là lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên, đối với những người nhạy cảm với caffeine, trà là phương án an toàn hơn, nhờ chứa ít caffeine hơn và có thêm L-theanine (tanin), giúp duy trì năng lượng một cách bền vững và ổn định.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo việc tiêu thụ cà phê và trà nên ở mức vừa phải, bởi việc uống hơn bốn đến năm tách mỗi ngày có thể mang đến nguy cơ cho sức khỏe.
(Tổng hợp)