Thời sự

CPI 8 tháng đầu năm hạ nhiệt, tăng 4,04% so với cùng kỳ năm ngoái

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê (TCTK), trong tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định so với tháng trước do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới. 

So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,71%.

 

Trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ; riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước. Đây cũng là nguyên nhân giúp CPI tháng 8 chỉ tăng 1,89%.

Cụ thể, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,29% do giá thuê nhà tăng 0,45%; giá gas tăng 0,67%...

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% (làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực tăng 0,19%; thực phẩm tăng 0,28% (làm cho CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26%.

Hàng hoá bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh: Hạ An).

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%, trong đó, giá dịch vụ hành chính, pháp lý tăng 1,91%; đồ trang sức tăng 1,89%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,52%; sửa chữa đồng hồ đeo tay và đồ trang sức tăng 0,28%. Ở chiều ngược lại, giá túi xách, vali, ví giảm 0,18%; đồng hồ đeo tay giảm 0,05%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,29%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,11%. Nguyên nhân do trong tháng 8/2024 tiếp tục có địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới.

Nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,15%. Trong đó, giá máy điện thoại di động thông thường tăng 0,52%; giá máy điện thoại cố định tăng 0,25%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Lễ Vu Lan và trong mùa du lịch cao, cụ thể: Giá nước quả ép tăng 0,42%; nước uống tăng lực tăng 0,29%; thuốc hút tăng 0,25%; bia chai tăng 0,13%; rượu các loại tăng 0,12%.

Nhóm giáo dục tăng 0,14%, trong đó giá bút viết các loại tăng 0,5%; sản phẩm từ giấy tăng 0,45%; văn phòng phẩm, đồ dùng học tập khác tăng 0,2%. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,13% do một số trường đại học công lập, trung học dân lập, mầm non tư thục ở một số tỉnh[6] tăng học phí năm học 2024-2025.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%, tập trung chủ yếu ở các nhóm: Giá dịch vụ du lịch ngoài nước tăng 0,72%; dụng cụ thể dục, thể thao tăng 0,38%; khách sạn, nhà khách tăng 0,24%; xem phim, ca nhạc tăng 0,16%. Ở chiều ngược lại, du lịch trong nước giảm 0,29% do các công ty giảm giá để kích cầu.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do chi phí nhân công tăng. Trong đó, dịch vụ sửa chữa tủ lạnh tăng 0,64% so với tháng trước; dịch vụ sửa chữa điều hòa nhiệt độ tăng 0,59%; thuê đồ dùng trong gia đình tăng 0,56%; dịch vụ sửa chữa máy giặt tăng 0,48%; sửa chữa thiết bị có động cơ tăng 0,45%; giường, tủ, bàn ghế tăng 0,24%; thuê người phục vụ tăng 0,14%; máy giặt tăng 0,11%.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có giá giảm so với tháng trước do nhiều cửa hàng tiếp tục áp dụng các chương trình kích cầu mua sắm như: Giá bếp gas giảm 0,89%; máy xay sinh tố, ép hoa quả giảm 0,47%; đệm giảm 0,15%; nồi cơm điện giảm 0,07%; máy hút bụi giảm 0,03%.

Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,05% do nhu cầu mua sắm chuẩn bị bước vào năm học mới tăng. Trong đó, giá giày dép tăng 0,53%; dịch vụ giày, dép tăng 0,44%; dịch vụ may mặc tăng 0,37%; vải các loại tăng 0,25%; mũ nón tăng 0,22%.

Riêng nhóm giao thông giảm 1,98% (tác động làm giảm CPI chung 0,19 điểm phần trăm), chủ yếu do: Giá dầu diezen giảm 7,05%; giá xăng trong nước giảm 5,83% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 4,09%; xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,28%. Bên cạnh đó, các nhóm hàng tăng giá: Giá phụ tùng ô tô tăng 0,4%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,91%; phí học bằng lái xe tăng 1,7%.

Lạm phát cơ bản tháng 8/2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân tám tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.  



[1] Chỉ số giá điện, nước sinh hoạt tháng 8/2024 phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác do được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng 7/2024.

[2] Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, cùng với đó vụ lúa hè thu sắp kết thúc cũng ảnh hưởng đến nguồn cung gạo. Chỉ số giá nhóm gạo tăng nhẹ 0,03% (Gạo tẻ thường giảm 0,02%; gạo tẻ ngon tăng 0,19%; gạo nếp tăng 0,24%). Bên cạnh đó, một số mặt hàng lương thực tháng Tám tăng giá so với tháng trước như giá khoai tăng 4,95%; ngô tăng 1,27%; miến tăng 0,31%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 0,26%; bột ngô tăng 0,22%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,13%.

[3] Giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 2,02%; giá thịt gia cầm tăng 0,21%; giá đồ gia vị tăng 0,59%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,26%; sữa, bơ, phô mai tăng 0,15%; đường, mật tăng 0,04%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,02%; giá dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,13%. Bên cạnh các mặt hàng tăng giá, một số mặt hàng thực phẩm tháng 8/2024 có giá giảm so với tháng trước: Giá thủy sản tươi sống giảm 0,15%; giá thịt lợn giảm nhẹ 0,06% do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp tại một số địa phương khiến người tiêu dùng lo lắng về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ.

[4] Do nhu cầu ăn uống ngoài gia đình trong mùa du lịch tăng cao. Trong đó, giá uống ngoài gia đình tăng 0,45%; ăn ngoài gia đình tăng 0,25%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,16%.

[5] Chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tỉnh Nam Định tháng 8/2024 tăng 11,85% so với tháng trước.

[6] Một số địa phương có chỉ số giá dịch vụ giáo dục tháng 8/2024 tăng so với tháng trước: Đắk Lắk tăng 6,33%; Vĩnh Phúc tăng 2,91%; Hải Phòng tăng 2,5%; Đồng Nai tăng 0,76%; Hà Nội tăng 0,25%; Hà Tĩnh tăng 0,18%; TP. Hồ Chí Minh tăng 0,07%. Riêng tỉnh Hậu Giang giảm 23,21% theo Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND ngày 24/7/2024.

[7]

 

 

 

 

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm