Chứng khoán

Thị trường chịu áp lực điều chỉnh trên diện rộng, khối ngoại tiếp tục bán ròng 270 tỷ đồng

Sau 6 tuần liên tiếp tăng điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch đầu tuần gặp áp lực điều chỉnh trên diện rộng. Ngay từ những phút mở cửa, chỉ số chính giao dịch dưới mốc tham chiếu và lình xình trong sắc đỏ xuyên suốt cả phiên. Mặc dù có những lúc đã tìm lại được sắc xanh tăng điểm, VN-Index vẫn không thể thoát khỏi tình trạng giảm mạnh hơn dần về cuối phiên khi lực bán chốt lời gia tăng.

Nhiều nhóm cổ phiếu như Bất động sản, Ngân hàng, Chứng khoán, Cảng biển, Dầu khí,… chứng kiến sắc đỏ chiếm ưu thế. Tại nhóm Chứng khoán, Ngân hàng, nhiều cổ phiếu như SHS, VCI, MBS, VND, SSI, OCB, VIB, STB, VCB,… đồng loạt đi lùi.

Không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh, áp lực bán bị đẩy lên cao khiến hàng loạt cổ phiếu nhóm BĐS Xây dựng lao dốc như CEO, DIG, DRH, SCR, DPG, LDG, DXG,… đánh rơi từ 4% đến 6,7% thị giá.

Tuy nhiên, nhóm này lại ghi nhận một số những đại diện tiêu biểu ngược dòng, song số lượng không nhiều như NLG, KBC, HDC,… Nổi bật nhất, BCM của Becamex IDC tăng rực rỡ thêm 7% trở thành cổ phiếu hiếm hoi mang sắc tím trong phiên giao dịch ảm đạm hôm nay. Theo đó, BCM là trụ đỡ chính của thị trường, đóng góp gần 1,5 điểm cho chỉ số chính.

Trong bối cảnh sắc đỏ chiếm ưu thế bao trùm bảng điện, nhóm bán lẻ với những cái tên tăng điểm tích cực đã xoa dịu làn sóng điều chỉnh. Cụ thể, MWG, DGW và FRT đều là những cổ phiếu có sự gia tăng tốt về điểm số, dao động từ 2,5% đến 3,7%. Ngoài ra, PET, PNJ, TLG, HAX, ABR,.. cũng đồng thuận đi lên. Đáng chú ý, MWG góp mặt vào top những cổ phiếu giao dịch khởi sắc, đóng góp 0,88 điểm cho thị trường chung.

Thị trường chịu áp lực điều chỉnh trên diện rộng, khối ngoại tiếp tục bán ròng 270 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bảng giá MBS

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,75 điểm (-0,69%) xuống 1.260,43 điểm. HNX-Index giảm 3,2 điểm (-1,08%) xuống 294,73 điểm. UpCOM-Index giảm 0,55 điểm (-0,6%) xuống 92,22 điểm. Thanh khoản thị trường dường như đi ngang, tương đương phiên giao dịch trước đó với tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt 14.839 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 621 mã giảm giá, trong khi chỉ có 296 mã tăng và 199 mã đứng giá tham chiếu.

Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư ngoại bán ròng trên cả 3 sàn trong phiên giao dịch hôm nay với tổng giá trị bán ròng lên đến 271 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 229 tỷ đồng, tập trung bán ròng KBC, SSI mỗi mã lần lượt là 54 tỷ đồng và 41 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM, SHB, PVD, NVL, MSN là những mã được mua ròng mạnh nhất trong phiên.

Thị trường chịu áp lực điều chỉnh trên diện rộng, khối ngoại tiếp tục bán ròng 270 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tại sàn HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ 14 tỷ đồng, trong đó IDC bị bán ròng mạnh nhất 10 tỷ đồng. Chiều mua ròng, PVS và TND được gom ròng nhẹ, BCC, VBC, PVC,.. cũng được mua ròng với giá trị không đáng kể.

Thị trường chịu áp lực điều chỉnh trên diện rộng, khối ngoại tiếp tục bán ròng 270 tỷ đồng - Ảnh 3.

Trên sàn UpCOM, nhà đầu tư ngoại bán ròng với giá trị 27 tỷ đồng, tiêu điểm bán ròng mạnh BSR với 24 tỷ đồng. Các mã khác như VEA, VGT, QNS,.. cũng bị bán ròng với giá trị không nhiều. Ngược lại, VTP, ACV, CSI,... lại được khối ngoại dè dặt mua ròng.

Thị trường chịu áp lực điều chỉnh trên diện rộng, khối ngoại tiếp tục bán ròng 270 tỷ đồng - Ảnh 4.

Diễn biến điều chỉnh của thị trường chung đang theo đúng dự báo của một số chuyên gia. Cụ thể, theo quan điểm của ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó TGĐ Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam kiêm Nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ đầu tư FSTOCK, chứng khoán Việt Nam có sự đồng pha với thị trường chứng khoán Mỹ. Ông Ngọc dự báo thị trường sắp đối mặt với một nhịp điều chỉnh ngắn hạn và xu hướng điều chỉnh có thể sẽ rõ nét hơn trong tuần giao dịch 22/8-26/8, một phần cũng do ảnh hưởng từ chứng khoán Mỹ điều chỉnh khá mạnh cuối tuần trước.

Tuy nhiên, chuyên gia đến từ CTCK Kiến Thiết đánh giá rằng vẫn còn có nhiều kỳ vọng trên thị trường và nhờ vậy, thị trường điều chỉnh để tái cân bằng và tạo lập ra mặt bằng giá mới, sau đó chỉ số chính sẽ quay trở lại xu hướng tăng.

Dương Ngọc

Cùng chuyên mục

Đọc thêm