Thời sự

Chuyên gia nói gì về khả năng kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,5% năm nay?

Moody’s Analytics đã điều chỉnh đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 8,5%, mức cao nhất trong số các nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tổ chức này đánh giá, việc mở cửa nền kinh tế chậm rãi hồi đầu năm nay đã chuyển thành sự cải thiện nhanh chóng trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, cùng sự hỗ trợ của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào.

“Sự bất ổn trong chính sách tại Trung Quốc đang hướng dòng vốn vào Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác”, Moody's cho biết.

Trước đó, Wolrd Bank cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7,5% trong năm 2022, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%. Mức dự báo này thấp hơn đôi chút so với Moody's nhưng vẫn là rất cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Nguyên nhân là bởi Việt Nam đã có các chỉ số vĩ mô khá tốt trong nửa đầu năm 2022 với tăng trưởng đạt 6,4%, lạm phát được kiểm soát dưới 4% trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới lạm phát thậm chí đã lên tới mức 2 con số.

 

Tăng trưởng kinh tế cả năm phụ thuộc nhiều vào quý IV

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, dự báo của World Bank về tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ trên 7,5% và bây giờ có Moody's dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt trên 8,5% hoàn toàn có cơ sở, song dự báo này có hiện thực hoá được hay không phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng quý IV/2022.

 

Nhìn lại hồi đầu năm 2022, Việt Nam được dự đoán tăng trưởng 6,5% nhờ đà phục hồi sau khi sống chung an toàn với dịch COVID-19. Tuy nhiên, sau đó cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra và kéo theo nhiều hệ luỵ tiêu cực đến đời sống kinh tế thế giới như: Đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hoá tăng cao, nguy cơ suy thoái, suy giảm ở nhiều nước, khu vực, đối tác ở Việt Nam.

"Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam về cơ bản vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% nhưng cũng có kịch bản tăng trưởng thấp hơn, thậm chí là tăng trưởng chỉ đạt mức trên 5%", TS. Võ Trí Thành nói.

Thế nhưng, sau khi con số tăng trưởng kinh tế của nửa đầu năm 2022 được công bố là 6,4% và mặc dù thế giới còn rất nhiều khó khăn thách thức, kịch bản xấu vẫn có thể xảy ra nhưng đa số đều cho rằng chắc chắn, Việt Nam có thể đạt mục tiêu đề ra.

Thậm chí, World Bank nhận định rằng GDP của Việt Nam sẽ trên 7% và giờ đây Moody's dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt trên 8,5%.

 

Mức dự báo này được hỗ trợ nhờ hai yếu tố. Thông thường, tăng trưởng quý III và quý IV tốt hơn và lần này lại được hỗ trợ bởi giải ngân vốn đầu tư công thực hiện cao hơn và mức nền thấp của năm ngoái, đặc biệt là quý III/2021 tăng trưởng âm nên rất nhiều dự báo rằng quý III năm nay sẽ tăng trưởng từ 9-12%.

TS. Thành cho hay, tăng trưởng GDP cả năm 2022 cao hay thấp, trên 7% hay không phụ thuộc nhiều vào quý IV. Nếu tăng trưởng quý này đạt 4-5% thì tăng trưởng cả năm sẽ dao động trên dưới 7% nhưng nếu quý IV đạt tăng trưởng trên 6% thì mức tăng trưởng 8,5% cả năm là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, TS. Thành cũng lưu ý, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, tính bất định và tăng trưởng xuất khẩu đang giảm tốc khá nhanh. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như: Điện tử, đồ gỗ,… tốc độ tăng trưởng đang giảm mạnh so với cũng kỳ năm ngoái, do suy giảm kinh tế trên toàn cầu.

Tăng trưởng GDP 8,5% là hoàn toàn khả thi

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, có rất nhiều yếu tố cho thấy nền kinh tế của chúng ta đã quay lại mức tăng trưởng như trước dịch và mốc 8,5% là hoàn toàn có thể đạt được.

Các yếu tố như tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo đã quay trở lại bằng với mức tăng trưởng của năm 2019, xuất nhập khẩu vẫn giữ đà tăng trưởng 13-16% nếu như đẩy mạnh được xuất nhập khẩu tăng 19-20% thì việc tăng trưởng GDP 8,5% là hoàn toàn bình thường.

 

Bên cạnh đó, du lịch dịch vụ mới mở cửa trở lại từ khoảng tháng 3, tháng 4 năm nay và đang đạt mức tăng trưởng 30-40% cùng với tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.

Vốn đầu tư nước ngoài giải ngân vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm cũng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa mức tăng trưởng của nền kinh tế được hỗ trợ bởi vốn giải ngân và ngược lại doanh nghiệp nước ngoài nhận thấy được sự tăng trưởng của Việt Nam nên mới đầu tư.

Lượng doanh nghiệp mở mới và hoạt động trở lại cũng ở mức cao giúp sản xuất kinh doanh tăng. 85% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho biết tăng trưởng quý III của họ sẽ tốt hơn quý II.

Về cơ bản tất cả những lĩnh vực đầu tàu của Việt Nam đều tăng trưởng rất tốt thì không có lý gì tăng trưởng kinh tế năm nay không đạt mức cao. Tuy nhiên, TS. Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, kịch bản này được đặt trong điều kiện sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu phải được hỗ trợ.

Bất kể nền kinh tế nào muốn tăng trưởng và phát triển đều phải dựa trên nền tảng là hoạt động đầu tư trôi chảy, có vốn để thúc đẩy vòng quay của sản xuất kinh doanh. Lúc đó, năng suất và hiệu quả của nền kinh tế mới được đẩy lên một bước mới, TS. Thịnh cho hay.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, giải ngân được đầu tư xã hội, đặc biệt là đầu tư công sẽ là vốn mồi, thúc đẩy cầu tiêu dùng, cũng như tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế xã hội, thay đổi cơ sở hạ tầng cơ bản, giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế trong trước mắt và lâu dài.

Trong năm 2022, tính đến hiện nay, chúng ta mới giải ngân được 34,5% vốn đầu tư công, thấp so với năm ngoái. Hơn thế nữa, trong năm nay, chúng ta còn một khối lượng lớn vốn đầu tư công của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa được phân bổ.

Do đó, việc đẩy nhanh hiệu quả và tiến độ giải ngân đầu tư công cần phải trở thành trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, của những người đứng đầu các đơn vị, các chủ đầu tư. Cần phải coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm để hoàn thành. Đối với những khó khăn, nên nhanh chóng nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ với tinh thần trách nghiệm cao.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm