Thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt
Trong báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng mới công bố, trong ba tháng đầu năm 2022, bối cảnh chung trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến, có cả yếu tố thuận lợi cũng như khó khăn tác động đến thị trường bất động sản.
Về thuận lợi, kinh tế trong nước duy trì đà phục hồi, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng, kinh doanh được khơi thông. Về khó khăn, với tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã ảnh hưởng đến tăng trưởng các quốc gia trong đó có Việt Nam, giá xăng dầu cũng như nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm và tăng cao ảnh hưởng đến triển khai các dự án bất động sản.
Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được triển khai đồng bộ giúp cho hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Theo Bộ Xây dựng, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá…; dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạo nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật… tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phục hồi nhanh ngay trong quý I/2022.
Bộ Xây dựng dẫn số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực xây dựng đạt mức tăng trưởng là 2,57% so với cùng kỳ năm 2021.
“Thị trường bất động sản trong quý 1/2022 cũng đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt; xuất hiện nhiều chủ đầu tư, dự án bất động sản mở bán hoặc lên kế hoạch mở bán trong thời gian ngắn; sự quan tâm và lượng giao dịch bất động sản tăng dần theo tháng và ở hầu hết các phân khúc của thị trường. Thị trường bất động sản đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng”, Bộ đưa ra đánh giá.
Bộ cũng cho biết, sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19, cuối năm 2021 và ba tháng đầu năm 2022, sau khi hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước trở về trạng thái “bình thường mới”, thị trường bất động sản đã dần sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần.
Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 800 sàn giao dịch đã trở lại hoạt động (so với quý 4/2021 là 400 sàn giao dịch), các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, chuyển đổi số trong bán hàng.
“Nhìn chung thị trường bất động sản vẫn có thể phải đối diện với nhiều thách thức nhưng theo đánh giá năm 2022 sẽ thêm nhiều tín hiệu khởi sắc hơn, do đây là năm thứ ba sống chung với dịch Covid-19 nên tâm lý người dân dần thích nghi.
Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hoạt động giao dịch vẫn diễn ra, quan trọng hơn các sàn giao dịch bất động sản đã có kinh nghiệm và được sàng lọc qua tác động của dịch Covid-19”, Bộ đưa ra nhận định.
7 vấn đề hiện nay của thị trường bất động sản
Bên cạnh đó, Bộ cũng đưa ra những vấn đề của thị trường bất động sản. Thứ nhất, việc lập và phê duyệt Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở còn chậm và chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định.
Thứ hai, hiện nay, thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung ở các phân khúc. Số lượng dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đều hạn chế, có xu hướng giảm.
Thứ ba, giá nhà ở, đất ở tăng cao so với thu nhập của người dân. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hầu như không còn căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2.
Thứ tư, hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương có biểu hiện bất thường, đấu giá cao rồi bỏ cọc có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản như: tạo mặt bằng giá đất cao, tác động làm tăng giá bất động sản, nhà ở lân cận so với thực tế thị trường; ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư và công tác thu hồi, bồi thường, triển khai thực hiện dự án của các địa phương…
Thứ năm, vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản trong thời gian gần đây chưa tuân thủ quy định của pháp luật tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường bất động sản.
Thứ sáu, việc tách thửa, phân lô bán nền tại một số địa phương chưa theo đúng quy định của pháp luật. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến trật tự xây dựng, ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đô thị, khu dân cư của các địa phương như: đầu tư xây dựng tự phát, không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo cơ hội đầu cơ, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm trục lợi,... ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Thứ bảy, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chưa đảm bảo việc quản lý tốt các giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản; hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt. Có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường bất động sản...
Bộ yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.