Ở môi trường công sở, chúng ta đều muốn được hòa đồng với mọi người, có cơ hội cạnh tranh lành mạnh và phát huy hết năng lực của mình. Song, đời vốn dĩ không như là mơ nên sẽ luôn có người tốt bên cạnh những kẻ lắm chiêu. Hãy cùng điểm lại những “gương mặt thân quen” này nhé.
1. Không làm sếp nhưng lại thích chỉ đạo
Đây là kiểu người chỉ cần "Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm". Khi sếp vắng mặt ở cơ quan cũng là lúc họ thích sai vặt người khác, tỏ vẻ hiểu biết rồi chỉ đạo mọi người, đặc biệt là những nhân viên mới.
Họ có thể là kẻ thân cận của sếp, chuyên gia nịnh thần hoặc sở hữu dòng máu con ông cháu cha. Và tất nhiên, với thái độ thích lên mặt dạy đời như vậy thì chắc chắn sẽ bị đồng nghiệp xa lánh.
Kẻ xu nịnh đáng ghét nhưng rất tiếc sếp lại là người thích nghe nịnh
2. Cướp công chuyên nghiệp
Không thể phủ nhận sự khéo léo từ trong cách nói chuyện lẫn hành động của những kẻ cướp công chuyên nghiệp. Họ biết tiếp cận và tạo dựng lòng tin ở những con mồi ngây thơ như thế nào, biết khai thác thông tin ra sao và tất nhiên, họ cũng nắm rõ luôn cả phương pháp "chộp giật" nhanh gọn nhất có thể.
Bạn đã từng chứng kiến cảnh cô nhân viên mới khóc tức tưởi khi ý tưởng và bản kế hoạch của mình đang nằm trong tay sếp nhưng lại dưới chữ kí của kẻ mình vẫn luôn tin tưởng chưa? Hãy cẩn thận nếu không muốn trở thành mồi của những kẻ đi săn chuyên nghiệp này!
3. Sử dụng kế bẩn
Ở nơi làm việc, bạn sẽ gặp nhiều trường hợp chỉ vì ghen tỵ mà đâm sau lưng bạn. Họ có thể để ý trực chờ sơ hở của bạn để báo cáo lên cấp trên. Ngoài ra, họ còn cố tình đưa thông tin sai lệch để bạn bị trách phạt và sa thải. Trong nhiều trường hợp, bạn quá cả tin sẽ rơi vào kế bẩn của đồng nghiệp xấu tính kia. Khi hiểu ra vấn đề, nhiều người chỉ biết uất ức đến bật khóc.
Để không rơi vào bẫy của đồng nghiệp xấu đặt ra, bạn nên cẩn thận kiểm tra thông tin trước khi tiếp nhận. Đừng vội đặt lòng tin và trao bí mật cho người khác. Biết đâu bạn đang giao trứng cho kẻ ác. Một ngày đẹp trời, đồng nghiệp "tốt" sẽ đem thông tin đó đe dọa bạn.
Rất nhiều người sẵn sàng cướp công của đồng nghiệp để được hưởng lợi
4. Siêu nịnh thần
Người xưa đã có câu "mồm miệng đỡ chân tay", những người khéo ăn nói luôn được lòng cấp trên và hưởng không ít lợi. Nhưng đôi lúc, cái sự "khéo" ấy lại lộ liễu đến mức phản tác dụng, khi nó gần như phơi bày tất cả bản chất thảo mai, xu nịnh và giả tạo vốn có của họ. Có vẻ như thay vì sử dụng chất xám để chứng minh năng lực của bản thân thì nhiều người lại thích dùng nước bọt và đầu gối để thăng tiến.
Những người này có thể nghĩ ra đủ mọi chiêu trò để mua vui cho sếp và cũng sẵn sàng kể xấu bất cứ đồng nghiệp nào họ cảm thấy "ngứa mắt". Hẳn là công ty của bạn cũng đang "sở hữu" vài đại thần Hòa Thân kiểu như vậy chứ?
5. Chuyên gia vay nợ
Tệ hại hơn cả việc "viêm màng túi" là phải trở thành chủ nợ bất đắc dĩ của những người "chày bửa" có số má trong công ty. Một số có khái niệm vay tiền nhưng lại loại bỏ hoàn toàn việc trả tiền ra khỏi từ điển.
Những đối tượng này hôm nay sẵn sàng khóc lóc ỉ ôi để có thể vét nốt những đồng cuối cùng trong túi bạn vì ti tỉ những lí do khiến người ta không thể không động lòng trắc ẩn, để rồi ngày mai bạn sẽ được một phen kinh ngạc khi thấy họ đã kịp sắm ngay một bộ cánh xịn, hay chụp ảnh tự sướng ở một nhà hàng sang trọng nào đó.