Doanh thu quý đầu năm của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) đạt gần 13.880 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cùng kỳ. Thị trường nội địa vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhưng có mức tăng trưởng không cao. Trong đó, kênh hiện đại tăng trên 30%. Ban lãnh đạo Vinamilk đánh giá sau đại dịch, thói quen mua sắm ở kênh hiện đại ngày càng phổ biến và được kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng cho thị trường nội địa.
Với chuỗi cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt, doanh thu tăng gần 25% so với cùng kỳ. Công ty đã mở mới gần 30 cửa hàng trong quý với mục tiêu xây dựng một kênh độc lập, củng cố độ bao phủ về kênh phân phối. Đến nay, số cửa hàng chuỗi này đạt gần 620, phân bố tại các thành phố lớn và vừa. Vinamilk đang tận dụng nguồn lực và vị trí của các điểm bán trên như điểm giao hàng phục vụ cho nền tảng bán hàng trực tuyến, bắt kịp xu hướng thương mại điện tử.
Trong khi đó, thị trường nước ngoài ghi nhận doanh thu tăng hơn 10%. Riêng chi nhánh Driftwood (Mỹ) tăng trưởng hơn 40% nhờ nhu cầu tiêu thụ đi lên ở nhóm trường học và khách sạn.
Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk lại giảm mạnh về mức 40,5% dưới áp lực từ các chi phí sản xuất gia tăng. Từ mức 49%, con số này gần như giảm liên tục trong ba năm gần đây. Riêng quý I/2022, biên lợi nhuận gộp lùi thêm.
Ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục duy trì ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng từ khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm vào đó, việc giá dầu thô tăng cao đã làm đội thêm chi phí vận chuyển, đẩy giá vốn bán hàng và nhiều chi phí đầu vào tăng theo. Công ty khắc phục phần nào bằng cách chủ động nguồn cung trong nước như sữa tươi nguyên liệu thu mua từ trang trại, đường...
Tổng lại, Vinamilk đạt hơn 2.280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 12% so với quý I/2021. Công ty hoàn thành gần một phần tư kế hoạch kinh doanh cả năm. Năm nay, doanh nghiệp đầu ngành sữa dự kiến lợi nhuận đi lùi hơn 7% trước áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi và cước vận tải. Nếu không vượt kế hoạch đề ra, đây sẽ là lần thứ hai liên tiếp lợi nhuận Vinamilk tăng trưởng âm.
Từ khi vượt mốc 10.000 tỷ đồng lãi trước thuế vào năm 2016, Vinamilk không giữ được phong độ tăng trưởng tốt như giai đoạn trước. Báo cáo thường niên của doanh nghiệp chỉ ra, VNM phải đối mặt nhiều khó khăn và thách thức liên quan tới tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, giá cả hàng hóa thức ăn chăn nuôi leo thang, giá cước vận tải tăng cao...
Để tìm kiếm đà tăng trưởng mới, doanh nghiệp này cũng nêu ra một loạt giải pháp từ việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển sản phẩm, hướng đến phục vụ nhu cầu dinh dưỡng toàn diện, cho tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp bền vững. "Đại gia" ngành sữa cũng cho biết sẽ khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới thông qua hoạt động M&A, liên doanh hoặc đầu tư mạo hiểm.
Báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nêu quan điểm thận trọng rằng, trong 2-3 năm tới, VNM không còn nhiều dư địa tăng trưởng, mặc dù công ty đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Tuy vậy, chiến lược mới như mở rộng sang sản xuất thịt bò được xem là mảng tiềm năng nhất để Vinamilk tăng trưởng từ năm 2023-2024.