Doanh nghiệp

Thêm một hãng tàu vận chuyển container nội địa

Hai tàu Sơn Trà và Phú Quý trực thuộc liên doanh công ty Pacific Lines TCSG, đơn vị chuyên vận chuyển quốc tế, cho thuê container. Cả hai đều được thiết kế chở hàng rời, container khô và lạnh. Chiều dài lớn nhất 99,89 m, mớn nước 6,05-6,45 m, hợp chạy Bắc - Trung - Nam và các cụm cảng Đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia.

Tàu Sơn Trà hạ thủy ngày 15/12 có chiều dài lớn nhất 99,89 m và mớn nước 6,05-6,45 m. Ảnh: Pacific Lines

Tàu Sơn Trà hạ thủy ngày 15/12 có chiều dài lớn nhất 99,89 m và mớn nước 6,05-6,45 m. Ảnh: Pacific Lines

Ông Mai Thế Hải, Tổng giám đốc hãng tàu Pacific Lines cho biết đơn vị sẽ chạy định tuyến hàng tuần từ TP HCM đến cảng Chu Lai (Quảng Nam) và ngược lại. Đơn vị kỳ vọng dịch vụ sẽ giúp kết nối chuyển cảng hàng hóa xuất khẩu từ cảng Chu Lai đến các nước khác trên thế giới và ngược lại thông qua cụm cảng TP HCM và Cái Mép. Khách hàng có thể làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Chu Lai ngoài dịch vụ vận chuyển nội địa đơn thuần.

Tàu dự kiến sẽ phục vụ các tuyển chuyên chở nội địa Bắc - Trung - Nam, góp phần tăng năng lực vận chuyển nội địa. Ảnh: Pacific Lines

Tàu dự kiến sẽ phục vụ các tuyển chuyên chở nội địa Bắc - Trung - Nam, góp phần tăng năng lực vận chuyển nội địa. Ảnh: Pacific Lines

Theo thống kê, hơn 80% khối lượng hàng hóa thương mại trên toàn cầu vận chuyển bằng đường biển. Vận tải biển là một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi dịch vụ logistics. Điều kiện địa lý Việt Nam có bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. Nhờ đó, khối lượng hàng hóa qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng nhanh và ổn định trong những năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 13,8%.

Hiện Việt Nam tiếp tục tăng trưởng về khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển. Cụ thể, trong năm 2020, khối lượng hàng qua hệ thống cảng biển đạt 692 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Trong đó lượng hàng container đạt 22,41 triệu TEUs, tăng 13% so với năm 2019.

Khối lượng hàng qua cảng biển 6 tháng năm 2021 cũng đạt hơn 364 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng hàng container đạt gần 13 triệu TEUs, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong bối cảnh mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, các hiệp định thương mai tự do song phương, đa phương được thúc đẩy, đội tàu biển Việt Nam đối diện với nhiều cơ hội lẫn thách thức. Các hiệp định thương mại này giúp lượng hàng hóa xuất nhập khẩu gia tăng, góp phần mở rộng thị trường vận tải cho đội tàu tại thị trường nội địa của các quốc gia thuộc liên minh châu Âu.

Thời gian qua, giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển có mức tăng đột biến. Tình trạng tắc nghẽn cảng, lịch trình tàu thay đổi, khó khăn trong cung ứng container rỗng cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, đứt gãy chuỗi cung ứng trên thế giới.

Theo ông Hải, để nắm bắt thời cơ, cần có quyết tâm lớn, chuẩn bị kỹ cả về nguồn lực lẫn phương án kinh doanh. Ông tin rằng Pacific Lines sớm nhận ra các yếu tố vi mô, vĩ mô và có sự chuẩn bị chu đáo để tăng tốc trong tương lai. Trong đó, việc hạ thủy hai tàu Sơn Trà, Phú Quý là bước đi quan trọng trong quá trình phát triển sắp tới của hãng.

Pacific Lines là hãng khai thác container tại thị trường Việt Nam từ năm 2008. Đơn vị hiện sở hữu hơn 22 văn phòng chi nhánh quốc tế và trong nước. Hầu hết tọa lạc tại các nước khu vực Đông Nam Á. Doanh nghiệp cũng là đại diện duy nhất của hãng cho thuê container CAI International LLC và Beacon Intermodal Container Leasing, thuộc quỹ Mishubishi Hitachi Capital (Nhật Bản). Việc tham gia vào thị trường nội địa của hãng tàu Pacific Lines góp phần nâng cao năng lực vận chuyển nội địa của các công ty hãng tàu Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm