Doanh nghiệp

Nghề nuôi cá tra giống tại Hồng Ngự

Nhớ lại những ngày đầu phát triển nghề ươm nuôi cá giống từ năm 11 tuổi, đến nay, ông Hai Nắm, chủ trại cá tra giống bên dòng sông Tiền đã gắn bó với nghề 60 năm. Theo ông, nghề nuôi cá tra ở Hồng Ngự có từ những năm cuối thập niên 40 của thế kỷ trước. Khác với các loại tôm cá trong vùng, cá tra luôn khan hiếm nên thường được giá. Nhiều nông dân thấy được cơ hội đã tìm cách nhân nuôi.

Khi các chủ ao săn lùng cá tra giống, nghề ươm nuôi cá con ở vùng biên Hồng Ngự cũng hình thành theo quy luật cung cầu. Để có nguồn cá con, người dân canh con nước nổi từ rằm tháng bảy âm lịch, mang lưới cước ra sông Tiền hứng cá tra con mới nở 5-7 ngày, từ thượng nguồn trôi xuống.

Ông Hai Nắm lão nông kỳ cựu của làng nghề ươm giống cá tra Hồng Ngự. Ảnh: Xuyên Mộc

Ông Hai Nắm lão nông kỳ cựu của làng nghề ươm giống cá tra Hồng Ngự. Ảnh: Xuyên Mộc

Cá nhỏ li ti cỡ tăm nhang, phải cho ăn bằng trứng gà, sau lớn hơn chuyển sang các loại phiêu sinh, cá xay nhuyễn. Sau 3-4 tháng chăm sóc, cá tra giống có thể xuất ao. "Cá bán chạy, cha và cậu tôi thường chèo xuống vùng Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười để bán cho người nuôi, thường nửa tháng mới về", ông Hai kể.

Cá tra thịt dễ nuôi, có thể sống trong môi trường nước đứng nên mau xuất bán. Nghề nuôi cá bắt đầu ăn nên làm ra từ đây. Cũng từ đó, người dân còn truyền nhau câu nói "muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo" để hình dung một nghề mới nổi có thể làm giàu nhanh chóng. Nghề nuôi cá giống cũng phát triển khắp vùng Hồng Ngự từ cù lao Long Phú Thuận sang Long Khánh, Bình Thạnh. Từ những bậc cha chú đời đầu, chủ các trại cá giống như Hai Nấm, Bảy Biết, Bảy Xùm, Hai Diễm càng đưa con cá tra giống vươn xa.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tân, nguyên cán bộ Sở Thủy sản Đồng Tháp, cho biết những năm 1990-1992 là thời kỳ cực thịnh của cá tra giống đánh bắt từ thiên nhiên. Tuy nhiên, sau đó, nhu cầu nuôi quá lớn khiến nguồn lợi cá giống tự nhiên không thể đáp ứng.

Năm 1993, Philippe Caco tốt nghiệp Khoa Thủy sản, Ðại học Nông nghiệp Paris sang Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu quy trình cho cá ba sa, cá tra sinh sản. Kỹ thuật ép cá giống nhân tạo ra đời trong sự vỡ òa của nhóm nghiên cứu song người dân chưa hoàn toàn tin tưởng để nuôi.

"Tôi có một người đồng môn làm ở trại giống Mỹ Châu - nơi phân phối độc quyền cá tra ép, cô hỏi tôi nông dân Đồng Tháp có ai mạnh dạn thử nghiệm thì họ gửi tặng cá giống. Tôi kết nối với Hai Nắm và ông đã đồng ý", vị thạc sĩ này nhớ lại. Sau vài vụ nuôi thành công, ông Hai Nắm học được kỹ thuật nhân giống cá tra nhân tạo từ Philippe Caco. Kỹ thuật "đỡ đẻ" cho cá tra về sau lan nhanh ra khắp vùng, thay thế hoàn toàn cá giống thiên nhiên.

"Chúng tôi cùng nhau giữ uy tín làng nghề bằng cách chỉ chọn cá tra bố mẹ to, trứng ít nhưng chất lượng không chạy theo đồng lời nên cá giống ở đây làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Tiếng thơm thủ phủ cá tra Hồng Ngự cũng vang danh khắp vùng", ông Hai Nắm chia sẻ.

Dây chuyền phi lê cá ba sa để xuất khẩu tại Đồng Tháp. Ảnh: Xuyên Mộc

Dây chuyền phi lê cá ba sa để xuất khẩu tại Đồng Tháp. Ảnh: Xuyên Mộc

Từ loài cá thiên nhiên xuôi dòng Mekong về hạ nguồn, cá tra trở mặt hàng xuất khẩu sang gần 150 quốc gia, dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD năm 2022 cao nhất từ trước đến nay. Riêng nghề nuôi cá giống, từ "bà đỡ" Philippe Caco đến "mụ vườn" - những nông dân đầu nguồn sông Tiền, cá giống phát triển cực thịnh mang về thu nhập khủng cho người dân.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2022, cả nước ước tính sản xuất 27 tỷ cá tra bột, 3,8 tỷ cá tra giống tăng nhẹ so với cùng kỳ. Diện tích cá tra thương phẩm khoảng 5.500 ha, sản lượng đạt 1,6 triệu tấn. Trong đó, Đồng Tháp cung cấp 60% sản lượng cá giống toàn miền Tây và gần 35% sản lượng cá tra thương phẩm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Ngành hàng Cá tra 2022, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết chưa có một ngành hàng nào trong thời rất ngắn trở thành ngành hàng chủ lực, quy mô phát triển cao, nhanh và rất đồng bộ ở tất cả các khâu như cá tra. "Đồng Tháp là nơi ngành hàng cá tra hình thành, phát triển có diện tích, sản lượng cao nhất toàn vùng, đạt năng suất rất cao", ông nói.

Tên gọi Hồng Ngự được ghi chép trong sử sách từ hơn 200 năm trước. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến năm 1976, Hồng Ngự trở thành một huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp. Hơn 10 năm sau, huyện này chia tách thành Hồng Ngự và Tân Hồng. Đến năm 2009, huyện lỵ vùng biên tiếp tục chia tách thành thị xã Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự. Năm 2020, thị xã Hồng Ngự trở thành thành phố thứ ba của tỉnh Đồng Tháp. Vùng đất Hồng Ngự xưa bao gồm thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự và Tân Hồng ngày nay.

Các sách cổ như Gia Định thành thông chí và Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt từng đề cập đến sự phong phú, đa dạng của lâm thủy sản Đồng Tháp nói chung, Hồng Ngự nói riêng, nhất là tôm cá. Theo sử sách ghi lại, trước khi canh tác lúa trở thành nguồn hoa lợi chủ yếu, đã có một thời gian khá dài, cư dân Hồng Ngự xưa chuyên nghề khai thác cá.

Để quảng bá hình ảnh thủ phủ cá tra và tôn vinh những nông dân kỳ cựu đặt nền móng cho ngành hàng tỷ đô nay, từ ngày 16 đến 17/12, tại TP Hồng Ngự, Đồng Tháp lần đầu diễn ra Lễ hội cá tra. Chương trình do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm