Theo báo cáo của YouNet ECI - Công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử, người dùng chi 87.370 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki trong quý II, tăng 10,4% so với quý I.
Trong đó, Shopee tiếp tục "giữ ngôi vương" với tổng giao dịch (GVM) 62.380 tỷ đồng, chiếm tới 71,4% thị phần. Sàn này đồng thời chiếm trên 50% thị phần trong tất cả các nhóm ngành hàng TMĐT.
Duy trì vị trí thứ hai là TikTok Shop với 19.2400 tỷ đồng, chiếm 22% thị phần. Hai vị trí còn lại lần lượt là Lazada (5.160 tỷ đồng) và Tiki (584,77 tỷ đồng).
Tính chung, Shopee và TikTok Shop nắm 93,4% thị phần tổng giao dịch trong quý II/2024, tăng so với mức 91,25% hồi quý I. Hiện, giành thị phần trên thương mại điện tử chỉ còn là cuộc đua song mã giữa TikTok Shop với Shopee.
So sánh giữa hai nền tảng, tốc độ tăng trưởng của Shopee trong quý II so với quý I vượt trội so với TikTok Shop. Nếu tổng GMV TikTok Shop tăng trưởng 4,8% so với quý trước thì tổng GMV Shopee tăng trưởng đến 16,1% – giúp "sàn cam" chiếm thêm 3,5 điểm thị phần.
Nguyên nhân chính dẫn đến chênh lệch nằm ở mức độ phụ thuộc vào nhóm ngành hàng Thời trang & Phụ kiện của Shopee và TikTok Shop. Cụ thể, nhóm ngành hàng này chỉ chiếm 24% tổng GMV của Shopee, nhưng chiếm đến 37,5% tổng GMV của TikTok Shop trong cùng khoảng thời gian. Sau khi người tiêu dùng mua sắm nhiều mặt hàng này dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đã giảm trong quý II khiến doanh số trên TikTok Shop ảnh hưởng lớn.
Để duy trì sức cạnh tranh so với đối thủ, Shopee hiện phát triển với phương châm "sàn bạn có gì mình có đó" khi liên tục kết hợp hình thức mua sắm với giải trí.
Cụ thể, "sàn cam" tăng cường đầu tư cho các hoạt động livestream đa dạng hình thức, liên kết với nhiều KOL đình đám, tạo ra đối trọng với các hoạt động shoppertainment vốn là thế mạnh của TikTok Shop. Trong khi đó, đối thủ lại tạo dấu ấn với chuỗi sự kiện mừng "Sinh nhật vui sắm" kéo dài suốt hai tháng 5 và 6. Đặc biệt, TikTok Shop cũng tạo ra cơn sốt livestream triệu USD.
Nhờ lực đẩy này, GMV toàn thị trường tháng 6 đã chạm mức 33.800 tỷ đồng/tháng – cao nhất từ đầu năm tới nay.
Sự phát triển của hình thức mua sắm kết hợp giải trí đang được hai sàn đẩy mạnh đầu tư cũng nằm trong dự báo về động lực tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam.
Trong tương lai, ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Phân tích thị trường tại YouNet ECI, dự báo, xu hướng chủ đạo là nguồn động lực tăng trưởng chính cho TMĐT Việt Nam trong 3-5 năm tới gồm: thói quen mua sắm trực tuyến mỗi ngày, các mặt hàng giá trị cao và sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng shoppertainment.