Đón thêm cổ đông ngoại
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố bản cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ, có thêm hai cái tên mới là J.P.Morgan Securities PLC và Nordea 1, SICAV, nắm lần lượt 1,5% và 1,03% cổ phần của MB.
Trước đó, vào ngày 16/7, MB đã công bố hai cổ đông lớn khác nắm trên 1% vốn điều lệ là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam và Pyn Elite Fund.
Ngoài ra, MB còn có bốn cổ đông lớn khác bao gồm: Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tổng cộng, nhóm cổ đông này sở hữu 44,345% vốn điều lệ sau đợt phát hành cổ phiếu ESOP.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã cập nhật danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ. 11 cổ đông (1 cá nhân và 10 chức) đang nắm 37,09% vốn điều lệ MSB.
Cá nhân duy nhất nắm trên 1% vốn là người nước ngoài - ông Nilesh Ratilal Banglorewala, với tỷ lệ cổ phần tương đương 3,32% vốn điều lệ. Ông Nilesh Ratilal Banglorewala sinh năm 1965, từng giữ chức Giám đốc khối Quản lý Tài chính tại MSB.
Nhiều nhà băng khác có đối tác chiến lược là tổ chức nước ngoài, nắm tỷ lệ vốn lớn. Như tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), các nhà đầu tư ngoại đang nắm 20,45% vốn, gồm: Aozora Bank, Ltd (15%) Portal Global Limited (3,03%), Pyn Elite Fund (2,42%)
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tổng sở hữu của cổ đông ngoại đạt hơn 21,2%. Trong đó, cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation nắm giữ hơn 15% vốn điều lệ. Hai quỹ ngoại Composite Capital Master Fund LP, Vietnam Enterprise Investments Limited (thuộc Dragon Capital) và người liên quan nắm giữ hơn 6,2% cổ phần.
Ba tổ chức ngoại tại Ngân hàng TMCP Á Châu là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited nắm giữ hơn 6% vốn điều lệ .
Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) công bố hai quỹ ngoại nắm 4,4% vốn điều lệ là Baillie Gifford Pacific Fund (2,19%), và Pyn Elite Fund (2,2%). Ngoài HDBank, Pyn Elite Fund còn sở hữu cổ phiếu ngân hàng như MB, HDBank, TPBank, VietinBank...
Trong nhóm Big4 (4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối), cơ cấu cổ đông của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) có các tổ chức nước ngoài.
Ngăn sở hữu chéo, rót vốn "sân sau"Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Tổng cộng 19 cổ đông đang nắm gần 67% vốn ABBank, trong đó đáng chú ý có nhóm Geleximco và những người liên quan. Về phía cổ đông ngoại, Maybank đang sở hữu gần 170 triệu cổ phiếu ABB, tương đương hơn 16% vốn ngân hàng
Cơ cấu sở hữu tại một số ngân hàng cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhóm doanh nghiệp, cổ đông lớn, như nhóm Gelex tại Eximbank; nhóm ROX Group tại MSB; nhóm n
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS, TS. Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng - cho rằng, quy định công bố thông tin cổ đông từ 1% trở lên và mở rộng khái niệm người có liên quan sẽ nâng cao tính minh bạch trong quản lý ngân hàng; cũng như hạn chế tình trạng chi phối của doanh nghiệp sân sau.
Ngoài việc công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1%, quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông và người có liên quan cũng giúp hạn chế khả năng thao túng ngân hàng của một nhóm cổ đông nhỏ.
Quy định đã chặt chẽ hơn, tuy nhiên, ông Hùng cho rằng thực tế vẫn có khả năng chủ sở hữu thực sự nắm quyền chi phối không lộ diện trên hồ sơ.
"Có nhiều cách để "lách" tỷ lệ sở hữu như mượn người đứng tên, ẩn tên, chia nhỏ cổ phần sở hữu. Để quy định thật sự hiệu quả, tôi cho rằng phải có quá trình điều tra, nhận diện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời làm rõ, kiểm soát nguồn tiền dùng để sở hữu cổ phần, từ đó mới hạn chế được các hình thức lách tỷ lệ sở hữu", ông Hùng phân tích.