Để thực hiện các yêu cầu này của Ủy ban Chứng khoán, thời gian qua các công ty chứng khoán (CTCK) đã cấp tập liên hệ, hướng dẫn nhà đầu tư cập nhật căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Nhiều cách cập nhật thông tin
Nhận thông báo yêu cầu từ email CTCK, anh Trịnh Hồng Thắm (43 tuổi, Hà Nội) tức tốc cập nhật lại CCCD mới có gắn chip. "Việc xác thực khá nhanh, chỉ mất ít phút thao tác trên máy tính. Không cần ra trực tiếp tại quầy, tôi chụp và thực hiện online", anh Thắm nói.
Trong khi đó chị Thùy Linh - một nhà đầu tư khác - cho biết đã làm theo hướng dẫn trực tuyến từ CTCK và nhận được thông báo sẽ "cập nhật sau 5 - 7 ngày làm việc". "CTCK cũng thông báo rằng sau khi yêu cầu cập nhật CCCD được hoàn thành, khách hàng mới có thể tạo các yêu cầu khác", chị Linh cho hay.
Nếu cập nhật online, các CTCK sẽ yêu cầu nhà đầu tư gửi ảnh chụp hai mặt của CCCD mới với yêu cầu ảnh nét, rõ mặt và số và CMND cũ hoặc thông tin mã QR trên CCCD mới qua email để hoàn tất thủ tục. Nếu không thạo sử dụng công nghệ, nhà đầu tư có thể trực tiếp đến chi nhánh giao dịch nơi mở tài khoản để cập nhật lại thông tin.
Trên các diễn đàn, hội nhóm về chứng khoán, chủ đề cập nhật lại thông tin CCCD/căn cước nếu không muốn bị ngừng giao dịch được thảo luận sôi nổi. "Thế này mấy tài khoản chứng khoán ảo có mà khóc thét", L.H.T. - một nhà đầu tư - bình luận.
Trong khi đó M.S. - một nhà đầu tư khác - lo lắng cho biết đã đi nước ngoài nhiều năm nay, chưa làm lại CCCD gắn chip nên có nguy cơ bị ảnh hưởng đến việc mua bán chứng khoán. Và đây cũng là nỗi lo của rất nhiều nhà đầu tư chưa có căn cước mới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thanh Hoa - tổng giám đốc Chứng khoán DNSE - cho biết đã gửi thông báo tới toàn bộ khách hàng về yêu cầu cập nhật CCCD/căn cước gắn chip thông qua tin nhắn SMS, gửi email, đăng trên trang thông tin điện tử chính thức của công ty...
"Chúng tôi cũng cung cấp tính năng thay đổi CCCD/căn cước gắn chip hoàn toàn trực tuyến chỉ với một vài thao tác đơn giản trên ứng dụng di động nên khách hàng có thể thực hiện nhanh chóng", bà Hoa nói nhưng thừa nhận một số khách hàng chưa làm được CCCD/căn cước gắn chip sẽ gặp khó khăn.
Chậm cập nhật sẽ bị quá tải
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết các CTCK yêu cầu nhà đầu tư cập nhật CCCD/căn cước chậm nhất trước ngày 1-10, trong khi nhiều CTCK đặt thời hạn sớm hơn, thậm chí trước 20-8… Dù vậy, số lượng nhà đầu tư đã cập nhật thông tin chưa nhiều.
Từ kinh nghiệm xác thực gương mặt khi giao dịch của các ngân hàng trước đó, các CTCK cho rằng sau 1-10-2024, khi các CTCK chính thức áp dụng phương thức hạn chế giao dịch trực tuyến, lượng yêu cầu thay đổi thông tin sẽ tăng cao.
Bà Phạm Thanh Hoa cho biết việc thay đổi thông tin CCCD/căn cước gắn chip không chỉ thực hiện tại CTCK mà cần gửi lên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Do vậy, lượng yêu cầu đổ dồn từ các CTCK, nên việc thay đổi thông tin tại VSDC có thể sẽ lâu hơn thông thường.
Theo ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, công ty này đã thông báo đến khách hàng cách đây vài tháng. Dù vậy, nhiều khách hàng bận rộn hoặc chưa làm CCCD gắn chip vẫn trì hoãn.
"Theo tôi, việc cập nhật thông tin này là cần thiết để minh bạch hóa, chuẩn hóa dữ liệu, nhưng ban đầu thực hiện sẽ khó tránh khỏi những xáo trộn và phát sinh những khó khăn riêng", ông Phương cho hay.
Chủ tịch một CTCK cho rằng không loại trừ khả năng xảy ra quá tải cục bộ ở một số CTCK khi thực hiện việc đồng bộ hóa thông tin nhà đầu tư chứng khoán như từng xảy ra với việc xác thực sinh trắc học ngân hàng vào tháng 7 vừa qua.
"Nếu CTCK có hạ tầng công nghệ tốt, cách thức chuẩn bị từ sớm, từ xa sẽ hạn chế việc bị dồn ứ. Nếu làm giật cục kiểu "nước tới chân mới nhảy", dồn ép khách hàng về thời gian, gây quá tải… sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và thậm chí thị trường chung", vị này nói.
Trong khi đó, một chuyên gia chứng khoán khác lưu ý khác với xác thực sinh trắc học của ngân hàng, việc chuẩn hóa dữ liệu của nhà đầu tư chứng khoán nhằm đồng bộ, khớp thông tin cá nhân giữa tài khoản và trên CCCD/căn cước gắn chip.
"Tối hậu thư" với nhà đầu tư chứng khoán
Theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán, việc chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu báo cáo về cơ quan này trước ngày 31-8. Nếu không nhận được phản hồi từ nhà đầu tư trước 31-8, các CTCK tiếp tục xác thực và hoàn thành trước 30-9.
Với các nhà đầu tư chưa cập nhật, Ủy ban Chứng khoán đề nghị các CTCK phân loại các nhà đầu tư theo các nhóm: 1/ Không có phát sinh giao dịch kể từ sau ngày 30-6-2022 và tài khoản của nhà đầu tư không có số dư tiền và số dư chứng khoán. 2/ Nhà đầu tư không có phát sinh giao dịch kể từ sau ngày 30-6-2022 và tài khoản có số dư tiền hoặc số dư chứng khoán. 3/ Nhà đầu tư không có thông tin để liên lạc, đã xác định chết hoặc mất tích và các trường hợp khác.
Riêng đối với nhà đầu tư đang có giao dịch nhưng không phối hợp để chuẩn hóa thông tin, yêu cầu CTCK giới hạn về cung cấp dịch vụ.
Kỷ lục hơn 8 triệu tài khoản sẽ "vơi" bớt?
Theo số liệu từ VSDC, tính đến cuối tháng 7-2024, tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 8,33 triệu tài khoản. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 8,11 triệu tài khoản, tương đương khoảng 8% dân số.
"Có thể số lượng tài khoản này sẽ giảm đáng kể, bởi thực tế một nhà đầu tư có thể mở tài khoản ở nhiều CTCK khác nhau, nhưng đa số có xu hướng giao dịch tập trung tại một hoặc vài nơi thôi. Nếu phải cập nhật lại mất thời gian, nhiều người sẽ có xu hướng bỏ bớt", ông Phương nhận định.
Theo một số chuyên gia chứng khoán, việc cập nhật lại thông tin này sẽ tốt cho thị trường, minh bạch hơn, thực chất hơn, thậm chí góp phần dẹp bớt nạn làm giá cổ phiếu. Bởi khi chuyển qua CCCD, việc xử lý dữ liệu sẽ nhanh hơn, truy cứu thông tin hiệu quả hơn, thông tin cá nhân minh bạch hơn…
"Việc chuẩn hóa lại thông tin sẽ phần nào dẹp bớt các tài khoản ảo, tài khoản lập ra không sử dụng để giao dịch. Do vậy thực tế con số tài khoản chứng khoán hiện nay chưa phản ánh đúng thực chất", một chuyên gia nói.