Lùm xùm liên quan đến việc Thế giới Di động (MWG) tự động giảm tiền thuê mặt bằng dù chưa được đối tác đồng ý đang gây nhiều ý kiến trái chiều: Một bên cho rằng việc bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là bất khả kháng và cần có sự hỗ trợ thiện chí với nhau, một bên lại không đồng ý cách làm đơn phương của doanh nghiệp.
Theo phản ánh của người cho thuê mặt bằng là ông Mùi, dù chưa được sự đồng ý nhưng đến tháng 9/2021, MWG có thông báo về thanh toán chi phí tiền thuê mặt bằng và tự chuyển khoản tiền thuê đã giảm.
Đồng ý đại dịch Covid-19 diễn ra làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên MWG không nên tự giảm giá mà không được sự đồng ý của chủ mặt bằng, ông M bày tỏ. Trong thư phúc đáp, ông M cũng nêu rõ nếu phía MWG vẫn không tôn trọng và tuân thủ các điều khoản cho thuê đã ký ngày 16/1/2020 thì sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện lên Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Một chuyên gia làm trong ngành luật dân sự cho rằng cần phải xem xét Hợp đồng thuê giữa các bên có điều khoản thỏa thuận hay không về trường hợp nào được phép cắt giảm tiền thuê, nếu có thì các bên tuân theo quy định như trong hợp đồng đã giao kết.
Trường hợp ngược lại không có điều khoản trên, để được cắt giảm tiền thuê MWG phải tiến hành thương lượng và phải được sự đồng ý của bên cho thuê. Nếu tự ý cắt giảm tiền thuê mà chưa được sự đồng ý của bên cho thuê thì trong trường hợp này MWG đã vi phạm hợp đồng và có thể kiện lên tòa.
Luỹ kế 8 tháng, lợi nhuận vẫn tăng 12% lên 3.006 tỷ đồng
Vận hành 3 chuỗi điện máy, điện thoại và bách hoá, MWG dù chịu ảnh hưởng mạnh trước áp lực Covid-19, tuy nhiên chỉ số kinh doanh luỹ kế 8 tháng vẫn tăng trưởng. Cụ thể, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78.495 tỷ đồng - tăng 8% và lợi nhuận sau thuế là 3.006 tỷ đồng - tăng 12% so với cùng kỳ.
Chi tiết từng ngành hàng, cụ thể:
(i) Đối với Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy xanh (ĐMX), hai chuỗi đã đóng góp hơn 57.500 tỷ đồng doanh thu lũy kế 8 tháng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ 2020. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tháng 8 là tháng kinh doanh thấp điểm nhất khi gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế. Các cửa hàng này chiếm 70% về số lượng nhưng đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của TGDĐ/ĐMX trong điều kiện bình thường.
Dù khó khăn, hai chuỗi vẫn nỗ lực mang về gần 3.500 tỷ đồng - tương đương 40% mức doanh số bình quân thời điểm trước dịch - nhờ chiến lược tập trung bán hàng tại các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chuỗi ĐMX Supermini (ĐMS), triển khai chương trình khuyến mãi "mua hàng trước, nhận hàng khi hết giãn cách" trên kênh online.
Mặt khác, doanh thu online lũy kế sau 8 tháng đạt gần 7.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ). Các giao dịch online đem lại hơn 1.000 tỷ đồng trong tháng 8 (tăng 26% so với cùng kỳ) và chiếm 30% tổng doanh thu của TGDĐ/ĐMX.
(ii) Đối với chuỗi Bách hoá xanh (BHX) ghi nhận tổng doanh thu hơn 20.600 tỷ đồng lũy kế 8 tháng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020. Với 1.928 cửa hàng vào cuối tháng 8, doanh thu tháng này của BHX đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Doanh thu tính bình quân trên mỗi cửa hàng là hơn 1,5 tỷ đồng.
Lũy kế sau 8 tháng, kênh bán hàng qua website bachhoaxanh.com có số lượng đơn hàng gấp 4,5 lần và doanh thu gấp 5,2 lần so cùng kỳ 2020.
Về cung ứng, BHX bán ra hơn 25 ngàn tấn hàng tươi sống riêng tháng 8, gần gấp đôi mức trung bình 6 tháng đầu năm.