Đoàn thanh tra gồm 12 thành viên do ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Đoàn sẽ thực hiện thanh tra trong thời kỳ từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2022, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Theo quyết định, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra tại 15 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước và 2 nhà máy lọc dầu.
Cụ thể, tại miền Bắc, 6 doanh nghiệp đầu mối trong đợt thanh tra gồm: Tập đoàn Xăng đầu Việt Nam (Hà Nội), Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Thái Bình), Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (Hà Nội), Công ty TNHH Hải Linh (Phú Thọ), Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Hà Nội), Công ty TNHH Petro Bình Minh (Quảng Ninh)…
Miền Trung có 2 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (Nghệ An) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (Đà Nẵng).
Khu vực miền Nam gồm 7 doanh nghiệp: Tổng công ty Dầu Việt Nam (TP.HCM), Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (TP.HCM), Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Bình Dương), Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Đồng Tháp), Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (Hậu Giang), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (TP.HCM), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa (Đồng Nai).
Lãnh đạo các bộ và đơn vị liên quan như Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các công ty là thương nhân đầu mối, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Quyết định thanh tra của Thanh tra Chính phủ diễn ra trong bối cảnh thị trường xăng dầu có nhiều diễn biến "nóng". Trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk...
Theo Bộ Công Thương, hiện tượng này không phải phổ biến, có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Nguyên nhân chính là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.